Mưa rất to, đề phòng nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ quét, nước biển dâng, gió mạnh do áp thấp nhiệt đới

.

ĐNO - Trong sáng 14-10, nhiều nơi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to, nhiều vị trí, đoạn đường bị ngập cục bộ. Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cảnh báo, do mưa lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày tại thành phố Đà Nẵng nên cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng ở vùng trũng thấp.

Đường Nại Thịnh 3 (quận Sơn Trà) bị ngập nước cục bộ vào sáng 14-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đường Nại Thịnh 3 (quận Sơn Trà) bị ngập nước cục bộ vào sáng 14-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Từ 5 giờ sáng 14-10, tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố đã có mưa, mưa to nhất là ở quận Sơn Trà, làm nhiều vị trí, đoạn đường bị ngập cục bộ như: Tôn Quang Phiệt, Nại Thịnh 3, Lê Tấn Trung, Lê Văn Lương...

Tại các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, nhất là ở các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Sơn đã có mưa vừa, mưa to.

Để đối phó với nguy cơ xảy ra lũ lên nhanh, lũ quét trên sông Cu Đê, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam cho biết xã thường xuyên thông tin về cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét cho nhân dân ở các thôn để chủ động ứng phó.

Đặc biệt, người dân ở các thôn thường hay bị cô lập do lũ lớn như: Lộc Mỹ, An Định, Nam Yên... cũng chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm. Địa phương đã sẵn sàng triển khai sơ tán nhân dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đất khi UBND huyện Hòa Vang phát lệnh... 

Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Văn Bửu cũng cho hay, hệ thống loa truyền thanh xã thường xuyên phát thông tin về cảnh báo mưa lớn, nguy cơ cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng để nhân dân chủ ứng phó và tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không đi qua các đoạn đường bị ngập, đánh bắt cá trên sông và vùng trũng thấp, đi qua qua ngầm, cầu tràn và các khu vực có nguy cơ sạt lở để bảo đảm an toàn.

Ban chỉ huy quân sự xã, Công an xã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, đồ dùng cần thiết bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai. Các thôn trên địa bàn xã Hòa Phú đã rà soát và sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống thiên tai của thôn theo phương châm “4 tại chỗ”...

Một số đoạn đường thấp trũng ven sông Yên đang bị lũ tràn qua. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một số đoạn đường thấp trũng ven sông Yên đang bị lũ tràn qua. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Lúc 7 giờ sáng 14-10, mực nước lũ trên sông Vu Gia ở trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ở mức 7,1m, trên báo động 1 là 0,6m. Lũ trên sông Yên và Cẩm Lệ đang rút rất chậm do các hồ thủy điện giảm lưu lượng xả về hạ du, nhưng sẽ dâng lên lại do mưa to.

Một số đoạn đường thấp trũng ven sông ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ vẫn đang bị ngập.

3 thủy điện: A Vương, Sông Bung 4 và Đak Mi 4 đang vận hành xả nước về sông Vu Gia với tổng lưu lượng chỉ còn 972m3/s nhằm hạ thấp mực nước trong 3 hồ xuống mực nước đón lũ thấp nhất trước 10 giờ ngày 14-10.

Hiện mực nước trong các hồ đã ở sát mực nước đón lũ, các đơn vị quản lý, vận hành 3 thủy điện đang chuẩn bị sẵn sàng vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế cho rằng, thủy điện A Vương hạ thấp mực nước trong hồ để tạo dung tích trống hơn 80 triệu m3 và sẵn sàng vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du. Trước đó, từ ngày 10 đến 12-10, thủy điện A Vương đã cắt lũ cho hạ du sông Vu Gia hơn 52 triệu m3 nước. 

Nước hồ Đồng Nghệ đã chảy qua tràn xả sâu do mưa lớn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nước hồ Đồng Nghệ đã chảy qua tràn xả sâu về hạ lưu do mưa lớn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, đến sáng 14-10, mực hồ Hòa Trung đã dâng cao hơn mực nước dâng bình thường 0,1m, hiện đã tự chảy qua tràn về hạ lưu; mực nước hồ Đồng Nghệ cũng dâng cao, vượt ngưỡng tràn xả sâu 0,54m.

Hiện còn 1 tàu cá với 11 ngư dân thành phố đang hoạt động trên biển (khu vực giữa Biển Đông - Trường Sa), chủ tàu đã nắm được thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và gia đình; còn lại 1.229 tàu cá đang neo đậu tại bến.

Để ứng phó với mưa lớn trên đất liền và áp thấp nhiệt đới trên biển, các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố đã thường xuyên tuyên truyền về diễn biến, tình hình áp thấp nhiệt đới, mưa lũ đến người dân nhằm chủ động phòng tránh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo 3 đài thông tin liên lạc biển ở các đồn biên phòng thường xuyên thông báo, kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên các khu vực biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Các đơn vị địa phương đang theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để kịp thời triển khai các phương án, các kế hoạch ứng phó...

Đoạn đường Tôn Quang Phiệt (quận Sơn Trà) bị ngập cục bộ. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đoạn đường Tôn Quang Phiệt (quận Sơn Trà) bị ngập cục bộ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

* Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, từ ngày 14-10 đến hết ngày 15-10, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa đo được tại huyện Hòa Vang và các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm; khu vực quận Liên Chiểu, Hải Châu và Thanh Khê từ 150-350mm, có nơi trên 400mm.

Từ đêm 15-10 đến ngày 16-10, tại thành phố Đà Nẵng, mưa giảm nhưng vẫn còn có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi hơn 100mm.

Do mưa lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày tại thành phố Đà Nẵng nên cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng ở vùng trũng thấp.

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia).
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia).

* Cũng theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, lúc 7 giờ ngày 14-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,5 độ vĩ bắc, 111,8 độ kinh đông, trên khu vực giữa Biển Đông, cách Đà Nẵng - Quảng Nam khoảng 330km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.

Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 15km/giờ và có khả năng mạnh lên thành bão.

Dự báo đến 19 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở 14,9 độ vĩ bắc, 110,3 độ kinh đông, cách Đà Nẵng - Quảng Nam khoảng 180km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật 10. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 10-15km/giờ và có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7 giờ ngày 15-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,3 độ vĩ bắc, 108,9 độ kinh đông trên vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 10-15km/giờ và suy yếu thành vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía tây bắc của khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh.

Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.

Vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động mạnh.

Từ chiều tối 14-10, khu vực đất liền ven biển các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; cần đề phòng nước dâng cao 0,2-0,4m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp, sạt lở bờ biển.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.