Phát huy hiệu quả công tác cải cách hành chính

.

Thực tiễn đã chứng minh cải cách hành chính (CCHC) và phòng, chống tham nhũng có liên quan chặt chẽ với nhau, tác động qua lại và mang tính biện chứng. CCHC có vai trò hoàn thiện bộ máy và làm cho hoạt động của các cơ quan hành chính công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng. Đồng thời, phòng ngừa hiệu quả tham nhũng, tiêu cực sẽ giúp nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện nhiệm vụ CCHC với quan điểm này, ­­công tác CCHC của thành phố trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Kết quả nổi bật về CCHC có tác động đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện cải cách hành chính tại 3 nhóm cơ quan, đơn vị (sở, ban, ngành; quận, huyện; cơ quan Trung ương) được triển khai thực hiện đầu tiên trong cả nước từ năm 2008 được duy trì qua các năm để tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích các cơ quan, đơn vị không ngừng đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác CCHC, cải thiện vị thứ xếp hạng trong mỗi cơ quan, đơn vị. Xây dựng mô hình một cửa hiện đại ở tất cả UBND quận, huyện (trừ UBND huyện Hoàng Sa); 56/56 phường, xã và 21/21 sở, ban, ngành tại Trung tâm Hành chính thành phố. Đây là mô hình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức theo cơ chế một cửa với hệ thống trang thiết bị điện tử hiện đại. Đồng thời, xây dựng và đưa vào vận hành Tổng đài dịch vụ công qua đầu số (0236.3881.888, hay là *1022). Đây là mô hình cung cấp, tiếp nhận thông tin chuyên nghiệp mô hình chăm sóc khách hàng trong khu vực công đầu tiên của cả nước.

Từ năm 2007, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với chất lượng cung ứng thủ tục hành chính và dịch vụ công, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác cải cách hành chính hiện nay; tạo ra xu hướng cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với chất lượng cung ứng dịch vụ công.

Tính đến hết quý 3 năm 2022, số lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)  mức độ 4: 1.704, đạt 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4. Ngoài ra, có 48 thủ tục hành chính chỉ được cung cấp DVCTT mức độ 2 và 32 DVCTT mức độ 3 do vướng các quy định khác nhau. Số lượng DVCTT mức độ 3, 4 phát sinh hồ sơ trực tuyến: 439 (trên tổng số 565 DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến và trực tiếp), đạt tỷ lệ 77,70%. Số lượng hồ sơ trực tuyến: 58.941 hồ sơ (trên tổng cộng 116.340 hồ sơ), đạt tỷ lệ 50,66% (Các số liệu trên không bao gồm 134 DVCTT mức độ 4 do bộ, ngành triển khai trên hệ thống riêng; các sở, ngành thành phố sử dụng).

Ngoài ra, thành phố luôn quan tâm đến việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính theo tinh thần Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 6-11-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới” (nội dung “5 xây, 3 chống”); tiếp tục thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.

Thành lập đoàn kiểm tra công vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm kiểm tra việc tổ chức triển khai các nội dung công việc, nhiệm vụ được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giao cho các cơ quan, đơn vị; việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; tác phong làm việc; tính chuyên nghiệp và thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động; việc thực thi công vụ của CBCCVC và người lao động; việc rà soát, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, quy trình, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị và việc thực hiện quy định về tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Kiểm soát tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao và cập nhật thường xuyên trên phần mềm quản lý theo dõi công việc nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; thái độ, tinh thần, trách nhiệm của CBCCVC. Nâng cao tính chuyên nghiệp của CBCCVC, đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc và phối hợp công tác (tăng cường trao đổi, lấy ý kiến về các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý thông qua email công vụ, giảm hội họp; ban hành văn bản dưới hình thức chữ ký số và gửi liên thông đến các sở, ban, ngành có sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành để tăng cường số lượng văn bản đi được trao đổi qua môi trường điện tử,...).

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Một là, công tác ban hành, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cần luôn được quan tâm thực hiện, nhằm hoàn thiện thể chế phục vụ yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Hai là, thủ tục hành chính (TTHC) để giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp cần được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu dự thảo văn bản có quy định về TTHC đến khâu tổ chức thực hiện. Tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp phải được công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, có hệ thống trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, cổng thông tin điện tử của các cơ quan hành chính tại bộ phận một cửa và trên website của cơ quan hành chính các cấp, để cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

Ba là, tiếp tục quan tâm tới việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại tất cả các cơ quan hành chính; tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính, về giải quyết TTHC, về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức...

Bốn là, bộ máy hành chính các cấp cần tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.

Năm là, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với các nhiệm vụ, giải pháp như: tuyển dụng, nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; bố trí, sử dụng, phân loại, đánh giá theo vị trí việc làm, khung năng lực và kết quả hoàn thành nhiệm vụ; đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm, kỹ năng hành chính và đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, để kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh việc hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng thành phố thông minh, tiến đến chính quyền số nhằm giảm thiểu tối đa giao tiếp trực tiếp giữa công chức và người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi thực hiện thủ tục hành chính từ mô hình “theo quy định” đến mô hình “theo yêu cầu”.

Bảy là, thực hiện số hóa TTHC, hướng đến tạo điều kiện cho người dân giải quyết TTHC theo phương án gắn với mã số định danh điện tử trong tất cả giao dịch hành chính theo tinh thần Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 21-10-2021 của UBND thành phố về Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

TRẦN TRUNG SƠN
Phó Giám đốc Sở Nội vụ

;
;
.
.
.
.
.