Sáng 6-1, kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống Covid-19, đồng thời đề xuất nội dung đưa vào nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận tại tổ. Ảnh: Vũ Hưng |
Chủ trì thảo luận tổ với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Nguyên, Nam Định và Trà Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng gợi mở một số vấn đề liên quan đến Quy hoạch tổng thể quốc gia, cũng như những tồn tại, hạn chế của việc triển khai Nghị quyết số 30/2021/QH15 để các đại biểu góp ý.
Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành đã xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch, đồng thời đóng góp các ý kiến để hoàn thiện quy hoạch tổng thể trong thời gian tới. Đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố khẳng định, đây là quy hoạch chưa có tiền lệ và không nhiều quốc gia thực hiện.
Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ hơn, rõ hơn vai trò và vị thế nổi trội của Việt Nam trong khu vực và thế giới để có thể xác định được điểm mạnh, những lợi thế cạnh tranh trong việc định hướng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển của Việt Nam đối với quốc tế. Đồng thời trong quá trình phát triển sắp tới cần giải quyết bài toán liên kết giữa các vùng, các địa phương, đồng thời làm rõ sự tương hỗ giữa các vùng miền, giữa khu vực Bắc - Nam, giữa miền núi với đồng bằng...
Đại biểu Cường đề nghị trong quy hoạch tổng thể cần nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế biển, đồng thời có định vị thêm về hình thành quy hoạch các khu du lịch quốc gia theo từng vùng. Trong đó, xác định có bao nhiều khu du lịch quốc gia, những vùng nào cần đầu tư phát triển thành khu du lịch quốc gia để hạn chế việc hình thành một cách tràn lan.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố đề nghị đánh giá, bổ sung, phân tích thêm xu thế tăng giảm, tỉ lệ phân bố lao động của các vùng, theo ngành và thành phần kinh tế; bổ sung đánh giá sâu hơn hiện trạng cơ cấu nghề đào tạo với lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đồng... Bên cạnh đó, đối với hiện trạng phát triển ngành du lịch, đại biểu Minh đề nghị bổ sung thêm một số ngành như: du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, thể thao, sức khỏe; chú trọng đến việc đánh giá hiệu quả trong khai thác, sử dụng nguồn lực kinh tế biển, trong đó phải kết hợp khai thác và bảo vệ.
Sau khi nghe các đại biểu đóng góp ý kiến, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các đoàn, đồng thời góp ý thêm trong quy hoạch. Theo đó, đề nghị trong quy hoạch lần này, Chính phủ, các bộ, ngành cần cập nhật, bổ sung nội dung của các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các nghị quyết được ban hành sau hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, như: Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 30-NQ/TW về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là hai nghị quyết về phát triển vùng mới nhất của Bộ Chính trị nên cần cập nhật các nội dung vào quy hoạch tổng thể để phù hợp với định hướng phát triển đã được Bộ Chính trị xác định các vùng có tính chất liên kết vùng.
Thảo luận về việc đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống Covid-19, đại biểu Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) thống nhất các nội dung trong nghị quyết. Tuy nhiên, tại Điều 1 về đánh giá chung việc thực hiện nghị quyết chưa nêu lên những mặt tồn tại, hạn chế nên cần bổ sung những nội dung này. Bên cạnh đó, tại Mục c, Khoản 3, Điều 2 cần bổ sung cụm từ “chỉ được thực hiện sau khi nghị quyết này được thông qua”, nhằm tránh những trường hợp hợp thức hóa hành vi lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã hết đăng ký lưu hành trái với quy định của pháp luật trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực...
V.HƯNG - N.PHÚ