Vì sự nghiệp "Trăm năm trồng người"

.

Sáng nay (5-9) cùng với hàng chục triệu học sinh trên cả nước bước vào năm học mới 2019-2020, hơn 260.000 học sinh Đà Nẵng nô nức bước vào năm học mới với bao kỳ vọng.

Ngày khai giảng cũng là ngày đầu tiên đưa trẻ đến trường, là dấu mốc đáng nhớ, sự mở đầu, tạo hứng khởi cho suốt một năm học, cũng như những kỳ vọng, mong ước, quyết tâm của mỗi thầy, cô giáo và học sinh. Năm học mới này, nhiều nghi lễ trước đây được rút gọn để các em học sinh tham gia nhiều hơn vào phần hội.

Tại Đà Nẵng, từ năm 2016, Sở GD-ĐT thành phố đã chỉ đạo các trường tổ chức lễ khai giảng ngày 5-9, với thời gian tổ chức khai giảng gói gọn trong 45 phút, lãnh đạo đến dự lễ khai giảng chỉ tặng hoa và chúc mừng, không phát biểu, không  thả bóng bay…

Chỉ riêng những điều đó thôi cũng cho thấy sự nỗ lực đổi mới nhằm đem lại niềm vui, hứng khởi đầu năm học cho học sinh. Để có được ngày khai giảng đầy ý nghĩa này, cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc ngay từ khi kết thúc năm học 2018-2019, trong đó xác định rõ vai trò quan trọng của ngành GD-ĐT thành phố trong xây dựng một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến. Đồng thời, các cấp, ngành đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị; với tổng giá trị đầu tư trên 467 tỷ đồng; đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp, đội ngũ quản lý giáo dục để đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ chính trị được giao.

Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; đặc biệt là chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Vì thế, bước vào năm học mới, cả học sinh, giáo viên và phụ huynh đã và đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự nghiệp giáo dục trên địa bàn thành phố; trong đó phải xây dựng được môi trường học tập an toàn, thân thiện, để mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui, để trường học thực sự là môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh.

Bên cạnh dạy chữ, nhà trường cùng gia đình và xã hội tăng cường dạy về đạo đức, lối sống để trẻ phát triển toàn diện cả nhân cách và tri thức. Các cơ sở giáo dục, trường học cần chủ động giảm áp lực cho học sinh, giáo viên như cắt giảm những cuộc thi không cần thiết, không khoa trương, hình thức như trước đây. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu và chống lạm thu dưới mọi hình thức.

Song song với những vấn đề trên, học sinh và phụ huynh luôn mong muốn ngành giáo dục đổi mới hơn nữa công tác thi cử, trong đó đặt tính công khai, minh bạch làm tiêu chí hàng đầu, để những học sinh giỏi thật sự có cơ hội học tập cao hơn. Đó cũng là một cách góp phần tạo nền tảng vững chắc cho “nguyên khí quốc gia”.

Để đưa sự nghiệp giáo dục của Đà Nẵng phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại, chúng ta cần rất nhiều yếu tố, trong đó cần nâng cao vị trí người giáo viên bằng việc đào tạo, cập nhật kiến thức mới, nâng cao mức sống và có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Bởi GD-ĐT là ngành có sự ảnh hưởng sâu đến nhiều thế hệ, phải xóa bỏ ngay tư duy nhiệm kỳ… Cần đẩy mạnh chủ trương  xã hội hóa giáo dục, nhằm giảm chi ngân sách quốc gia, tạo điều kiện cho những tổ chức, cá nhân có tiềm lực, có tâm huyết đầu tư vào giáo dục ở mọi cấp từ mầm non đến đại học; qua đó mới tạo sự cạnh tranh để phát triển.

Cuối cùng, kỳ vọng lớn nhất trong năm học 2019-2020 như trong  trích Thư gửi ngành Giáo dục trong ngày khai trường của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi cả nước bước vào năm học mới 2019-2020: “Tôi mong các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”. Mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

CHUNG ANH
 

;
;
.
.
.
.
.