Những con số thống kê về số người chết, số người bị nhiễm mới, số quốc gia, vùng lãnh thổ “gia nhập” danh sách có dịch do SARS-CoV-2 gây ra vẫn tăng lên bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng quốc tế. Hệ quả không chỉ dừng lại ở số người chết, số người bệnh mà còn kéo theo sự sụt giảm đà tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu.
Từ những quốc gia lớn trên thế giới, những tập đoàn đa quốc gia, đến những người lao động hưởng lương, người làm ăn nhỏ cũng đã cảm nhận hơi nóng suy thoái sát ngay lưng mình. Và dĩ nhiên, người lao động chính là đối tượng chính gánh chịu hậu quả khi thu nhập giảm sút, thậm chí không có thu nhập.
Hơn ai hết, trong lúc này, người lao động theo ngôn ngữ chuyên môn gọi là “không có quan hệ lao động”, tức lao động không có hợp đồng, không có ràng buộc gì ngoài những thông tin thống nhất với nhau bằng… miệng, mới cảm thấy đầy đủ nhất về sự thiệt thòi này của mình. Vì không có ràng buộc, họ chính là những người đầu tiên đứng trong danh sách giảm tiền lương, cắt phụ cấp hoặc là nghỉ việc của công ty, đơn vị nơi mình làm việc. Đang có công việc ổn định, đang có thu nhập hằng tháng, bỗng dưng mất hết, hoặc giảm sút mạnh thì ngay lập tức những người này rơi vào tình cảnh khó khăn, bấp bênh.
Điều này là không mới. Cụ thể, Bộ luật Lao động ra đời từ năm 1994 đến nay đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, và mới nhất ngày 20-11-2019, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, thì điểm chung của tất cả những lần sửa đổi đều hướng đến sự công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, trong đó có cả lao động hợp đồng. Đặc biệt, ngay sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động mới nhất này, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá rất cao. ILO nhấn mạnh: “Đây là một tiến bộ quan trọng. Bộ luật Lao động sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng”. Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai, chí ít là sau ngày 1-1-2021 - thời điểm mà Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực, còn trong thời gian này, thì người lao động thời vụ, lao động tự do, lao động theo “hợp đồng miệng” sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2017, Việt Nam có đến 18 triệu người lao động phi chính thức (loại hình lao động bấp bênh, không ổn định, không qua đào tạo…) thì trong số này, người lao động có hợp đồng lao động trên 3 tháng chỉ chiếm 21,2%, còn lại hầu hết là không có hợp đồng lao động. Báo cáo của BHXH thành phố cuối năm 2019 cũng cho biết, tổng số lao động tham gia BHXH khoảng 45,32% lực lượng lao động trong độ tuổi và cũng chỉ có khoảng 42,70% lực lượng lao động tham gia BHTN.
Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm và quyền lợi của cả người sử dụng lao động và người lao động nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cả hai bên. Không tính lý do từ phía người sử dụng lao động, phải thừa nhận thực tế là người lao động cũng chưa nhận thức rõ quyền lợi của mình nên khá dễ dãi gật đầu làm việc khi bất lợi có thể nghiêng rành rành về phía mình. Khi Covid-19 gõ cửa với những khó khăn hiện hữu, hy vọng rằng đây là cơ hội người lao động nhìn lại để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
THANH VÂN