Điều chỉnh giảm lãi suất góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

.

Do ảnh hưởng tiêu cực, sâu rộng của Covid-19, nhiều ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tung ra nhiều gói cứu trợ lớn, kéo theo sự biến động, giảm sâu của một loạt thị trường chủ chốt như tài chính, chứng khoán, tỷ giá, dầu mỏ… Hầu như ở mọi quốc gia, chính sách tiền tệ/tài khóa luôn được đặt ở vị trí tuyến đầu, đảm đương vai trò lĩnh “ấn tiên phong” trong chủ trương kích cầu, chống suy giảm kinh tế, góp phần kiềm chế hậu quả của Covid-19.

Tại Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống ngân hàng đã tung ra gói hỗ trợ tín dụng hơn 250.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi (bình quân giảm từ 1 - 1,5%/năm). Ngoài ra, còn có sự cộng hưởng của biện pháp tài khóa với các gói gia giảm thuế/phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành chủ chốt, góp phần giảm chi phí vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại, từ đó, đẩy mạnh hơn sự trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Tuy vậy, xét trên phạm vi tổng thể, tăng trưởng tín dụng cả nước 2 tháng đầu năm chỉ là 0,06%, rất thấp so với mọi năm.

Một loạt lĩnh vực quan trọng, đầu tàu của nền “kinh tế mở” như: dịch vụ, du lịch, hàng không, vận tải, xuất nhập khẩu, nông nghiệp… bị suy giảm mạnh, dòng tiền đóng băng, nguy cơ tạm dừng hoặc ngừng sản xuất kinh doanh là rất cao. Đà Nẵng cũng là một trong số những thành phố lớn của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề do có cơ cấu kinh tế đặc thù với tỷ trọng dịch vụ-du lịch-thương mại chiếm gần 70%.

Khó khăn, vật vã của doanh nghiệp đồng thời là thử thách lớn với hệ thống ngân hàng, nguy cơ nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh, lãi không thu được, tài chính bị bào mòn… Sự đồng hành giữa hai bên khó có thể duy trì nếu không sớm có những quyết sách đồng bộ và kịp thời hơn. Tương tự như vậy, nền tài chính quốc gia sẽ không thể bền vững, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng nếu tài chính doanh nghiệp/ngân hàng bị tổn hại phần lớn.

Giải pháp tái cơ cấu nợ, xem xét miễn giảm lãi suất cho vay… theo chỉ đạo hiện nay chỉ tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho một bộ phận doanh nghiệp nhưng về lâu dài chưa phải là cách làm căn cơ nhất. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải đóng vai trò cầm chịch, đồng thời hệ thống ngân hàng thương mại cần chủ động liên kết phối hợp lẫn nhau, chung tay và đồng lòng hạ mặt bằng lãi suất xuống một cách tích cực và hợp lý hơn, phấn đấu đưa mặt bằng chung về lãi suất huy động/cho vay giảm ít nhất từ 1 - 2%/năm so với 2019. Định hướng này vừa phù hợp với quan điểm điều hành ổn định vĩ mô, theo đó, Chính phủ sẽ kiểm soát lạm phát kỳ vọng dưới 4% trong năm nay, vừa khuyến khích dòng vốn giá rẻ chảy vào những lĩnh vực có hiệu quả, tạo ra tác động lan tỏa để vực dậy các lĩnh vực còn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Như vậy, chủ trương giảm mặt bằng lãi suất sẽ tạo điều kiện hoàn thành những mục tiêu lớn là: Huy động hợp lý mọi nguồn lực tài chính theo phương thức xã hội hóa, trước mắt hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn do hậu quả của dịch bệnh. Điều đó cũng tạo thế và lực xác lập chiến lược kinh doanh bền vững, tăng cường hiệu quả đồng hành, kết nối mật thiết giữa doanh nghiệp - ngân hàng, hướng đến tái cơ cấu toàn diện mô hình phát triển kinh tế sau dịch; đồng thời chủ động thiết lập môi trường thể chế, luật chơi mới tương thích với bối cảnh kinh tế-tài chính trong khu vực và trên thế giới đã và đang diễn ra nhiều thay đổi lớn.

TÂM DÂN

;
;
.
.
.
.
.