Đại dịch Covid-19 là thảm họa của nhân loại trong thế kỷ XXI. Tính đến đầu tháng 6-2021, Covid-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 3,7 triệu người và làm cho hơn 170 triệu người trên khắp hành tinh bị nhiễm bệnh. Đến nay, dịch bệnh vẫn chưa có điểm dừng, nhất là khi các nước châu Á đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm của biến thể virus mới nguy hiểm hơn.
Cùng với đó, Covid-19 đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự tác động của dịch bệnh. Nhưng ngay từ đầu, khi dịch bệnh bùng phát, Đảng và Nhà nước ta đã có ngay những chủ trương và chính sách kịp thời để ngăn chặn và phòng ngừa.
Ngày 29-1-2020, Ban Bí thư đã có công văn về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Trong đó nhấn mạnh: xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách..., thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành đề ra; huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp thành công. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho nhân dân; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ: dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.
Xuyên suốt thời gian từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Đảng và Nhà nước đã bằng mọi biện pháp phù hợp để ngăn chặn dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân cũng như từng bước khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân. Không những vậy, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm hai loại vắc-xin để sớm đưa vào sản xuất đồng loạt phục vụ người dân. Đây được xem là bước đi căn bản nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh cả trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng chủ trương nhanh chóng đàm phán với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới để mua vắc-xin đưa về Việt Nam tiêm chủng, trước mắt là cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và sau đó là cộng đồng dân cư.
Có thể nói, đó là chủ trương và chính sách đúng đắn, kịp thời, nhất quán vì lợi ích cao nhất, trên hết đối với nhân dân. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” dựa trên sự chung lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Nhưng chúng ta đều biết rằng, việc phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh không thể một sớm một chiều và cũng không thể chỉ một quốc gia riêng biệt đối phó thành công trọn vẹn được. Công việc này đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của toàn nhân loại trên tuyến đầu chống Covid-19 mới hy vọng có được kết quả tốt nhất.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã không ít lần lên tiếng cảnh báo về sự thiếu hụt nguồn cung vắc-xin nghiêm trọng hiện nay, cũng như sự bất bình đẳng giữa các nước giàu - nghèo trong việc tiếp cận nguồn vắc-xin sẽ là nguyên nhân chủ yếu làm cho việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 trở nên khó khăn, phức tạp.
Trong giai đoạn đầu, chúng ta áp dụng biện pháp phòng ngự triệt để và sau đó từng bước chuyển sang vừa phòng ngự chặt chẽ, vừa tấn công Covid-19 và coi vắc-xin là mục tiêu hàng đầu. Qua việc tiếp cận nguồn vắc-xin của tổ chức “Sáng kiến tiếp cận toàn cầu vắc-xin Covid-19 (COVAX)” do Liên Hợp Quốc hình thành, đến nay, Việt Nam đã nhận hai đợt vắc-xin với khoảng 2,5 triệu liều. Việt Nam cũng chủ động đàm phán với các hãng dược để mua được vắc-xin sớm nhất.
Theo đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc-xin phòng Covid-19. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động ủng hộ phòng, chống Covid-19 để huy động sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước để có nguồn lực mua vắc-xin tiêm chủng cho người dân. Chính phủ còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp, địa phương có nguồn tài chính tự mua vắc-xin về tiêm chủng cho người lao động, người dân... dưới sự giám sát, quản lý của các cơ quan chuyên môn.
Xuyên suốt cuộc chiến phòng, chống Covid-19 của nước ta là vậy, thế nhưng một số trang mạng nước ngoài, một số chủ tài khoản facebook hay các trang mạng xã hội... trong thời gian trước đây cũng như hiện nay luôn cố tình “đánh lận con đen”, xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam... Các nội dung xuyên tạc cố tình đưa ra những hoài nghi, thậm chí là sự công kích trắng trợn để khiến dư luận hiểu sai về chủ trương và chính sách cũng như những kết quả có được trên thực tế mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang hành động quyết liệt trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 thời gian qua. Nhưng họ cũng nên hiểu rằng, chính những giá trị thực đang hiện hữu sẽ nhanh chóng dẹp tan những tiếng nói lạc lõng của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
TUYẾT MINH