Chủ động, quyết liệt phòng, chống bão

.

Bão số 4 (Noru) là cơn bão được đánh giá có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Chính vì vậy, từ những kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai những năm trước, nhất là chủ động thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ, những tác động của cơn bão số 4 đã được giảm thiểu ở mức thấp nhất.

Thành phố không có người bị thiệt mạng và bị thương, có 3 nhà bị sập đổ, 433 nhà bị tốc mái, 26 vị trí tường rào và cổng chào bị ngã đổ, 6.369 cây xanh bị nghiêng, gãy đổ... Kết quả này xuất phát từ sự chỉ đạo, điều hành của Trung ương và toàn hệ thống chính trị của thành phố để ứng phó kịp thời với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Cùng với đó, ý thức phòng, chống bão của người dân ngày càng được nâng cao theo hướng đề cao cảnh giác, không chủ quan trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của thiên tai.

Ngay trong sáng 24-9, khi các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế dự báo cơn bão số 4 đang ở cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam gần 2.500km, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Trà và Trạm Kiểm soát biên phòng CT.15 đã thông báo, hướng dẫn ngư dân di chuyển tàu cá qua âu thuyền Thọ Quang sớm để tránh sóng, gió mạnh ở khu vực Mũi Nghê.

Đồng thời, các cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ ngư dân cẩu, kéo các thuyền, thúng lên bờ trú bão. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố đã ban hành công điện ứng phó với bão và tổ chức họp khẩn giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương triển khai các công việc ứng phó với bão.

Hành động sớm được xem là một trong những kinh nghiệm thực hiện hiệu quả các biện pháp ứng phó thiên tai cũng như giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Điều này cũng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và thể hiện rất rõ trong buổi kiểm tra thực tế của lãnh đạo thành phố về công tác sắp xếp, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền trú bão ở âu thuyền Thọ Quang diễn ra vào trưa 25-9, khi có rất nhiều ngư dân chủ động di chuyển tàu thuyền và đưa thuyền, thúng nhỏ lên bờ từ rất sớm. Hành động sớm cũng thể hiện rõ trong việc đề ra thời hạn hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ ứng phó với bão.

“Ứng phó trên 1 cấp” là một cụm từ được các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện từ trưa 26-9 khi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đưa Đà Nẵng vào danh sách các địa phương có cấp độ 4 (cấp độ cao trong 5 cấp độ rủi ro thiên tai) đối với bão số 4.

Yếu tố này càng thêm đúng, có tác dụng khi vào sáng 27-8, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát bản tin dự báo bão số 4 mạnh thêm, tăng thêm cấp gió. Với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, số liệu sơ tán nhân dân, công nhân, sinh viên ở trong nhà ở không bảo đảm an toàn đã tăng từ hơn 67.000 người theo phương án đã xây dựng từ trước mùa mưa bão lên hơn 80.800 người.

Việc sơ tán dân liên tục được các địa phương rà soát, thống kê thêm, nhất là sau khi có dự báo sóng cao, nước dâng do bão mạnh ở khu vực ven biển, nâng tổng số người cần sơ tán lên 81.600 người. Thực tế, đến 20 giờ ngày 27-9, trước khi bão đổ bộ đất liền 7 giờ, các địa phương đã sơ tán hơn 87.400 người đến nơi trú ẩn an toàn trước thiên tai, góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Cũng với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe nhân dân lên hàng đầu và xem chống bão là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng nhất vào thời điểm này, lãnh đạo thành phố đã thống nhất cho học sinh nghỉ học sớm để các đơn vị, địa phương chuẩn bị chu đáo địa điểm sơ tán nhân dân tại các trường học; công chức, viên chức, công nhân, người lao động được nghỉ làm việc; dừng hoạt động tại các chợ để chống bão;  không cho người dân ra khỏi nhà, cấm lưu thông qua cầu và đường... Những biện pháp này đã giảm thiểu tối đa thiệt hại và nâng cao năng lực ứng phó với bão.

Các biện pháp nói trên được thực hiện thành công là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cũng như việc phối hợp chặt chẽ, thống nhất và tập trung cao độ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến thành phố và các quận, huyện, phường, xã.

Đặc biệt, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và lãnh đạo các đơn vị, địa phương liên tục  kiểm tra thực tế các địa bàn trọng yếu để chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp ứng phó kịp thời trên tinh thần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân là trên hết, trước hết. Các lực lượng vũ trang, hội, đoàn thể đã phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong công tác phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin và đồng lòng, chung sức thực hiện nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Qua đó, tiếp tục khẳng định tinh thần đồng lòng, chung sức xây dựng, phát triển thành phố hướng đến những mục tiêu cao đẹp hơn, an toàn hơn cho mỗi người dân và du khách.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.