Sinh viên học cách khởi nghiệp

.

Nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sinh viên (SV) khi lựa chọn con đường khởi nghiệp, một số trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tại Đà Nẵng bắt đầu triển khai các khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các giảng viên cũng dần được tiếp cận với nhiều chương trình huấn luyện về cách dạy khởi nghiệp.

Một giờ học khởi nghiệp tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK) dành cho sinh viên năm nhất.
Một giờ học khởi nghiệp tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK) dành cho sinh viên năm nhất.

Tại một buổi học thuộc chương trình Đường đến doanh nhân (EPP) của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK, thuộc ĐH Đà Nẵng), khoảng 30 SV năm thứ nhất được chia 4 nhóm để thảo luận về một tình huống thường gặp khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, trong quá trình thảo luận, các SV tìm cách biến ý tưởng thành dự án khởi nghiệp, đồng thời tìm hiểu về những áp lực và khó khăn của một doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu.

TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Viện trưởng phụ trách VNUK cho biết, EPP là chương trình giáo dục khởi nghiệp hệ 4 năm đầu tiên tại Đà Nẵng. Trong năm đầu tiên, các SV được cung cấp kiến thức tổng quan về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời được trang bị tinh thần và tư duy của doanh nhân. 3 năm học tiếp theo không bắt buộc nên chỉ những SV cảm thấy hứng thú và đam mê với khởi nghiệp mới tiếp tục theo đuổi.

Tham gia năm học đầu tiên của chương trình đào tạo khởi nghiệp, Ngô Đoàn Quốc Dũng (SV năm nhất VNUK) cho biết: “Điều em học được nhiều nhất là tinh thần chấp nhận rủi ro, có thể áp dụng được cho nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống chứ không chỉ khởi nghiệp”. Trong khi đó, Trần Thị Thiện Mỹ (SV năm nhất VNUK) nhận xét: “Khóa học giúp em có môi trường kinh doanh ngay từ năm học đầu tiên. Từ đó, em bắt đầu tò mò, có hứng thú với khởi nghiệp và sẽ tiếp tục theo đuổi con đường ở những năm tiếp theo trên ghế nhà trường”.

Năm 2017, một số trường trên địa bàn thành phố đã có những bước khởi động đầu tiên trong việc đưa nội dung khởi nghiệp vào giảng dạy cho sinh viên. Điển hình, Trường CĐ Lương thực - Thực phẩm phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (chi nhánh Đà Nẵng) tổ chức lớp “Khởi sự doanh nghiệp” cho hơn 150 SV của trường.

Tại Trường Đại học Duy Tân, nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được thí điểm lồng ghép vào môn học hướng nghiệp và nhận được sự phản hồi tích cực của các SV. Song, theo anh Nguyễn Tiến Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đại học Duy Tân, 2 “chướng ngại vật” chính trong việc dạy khởi nghiệp ở nhà trường là thiếu giảng viên và thiếu giáo trình.

Nhằm giải quyết 2 bài toán trên, giữa tháng 1 vừa qua, Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC) phối hợp với Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) và chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn II (IPP2) triển khai khóa đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dành cho 24 giảng viên và cán bộ đến từ 14 trường ĐH, CĐ… tại Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên.

Kéo dài hơn 1 tuần, khóa học tập trung các chủ đề như cách phát triển ý tưởng, thẩm định các dự án khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường học, đổi mới mô hình trường đại học, mô hình doanh nghiệp…

Ông Trần Vũ Nguyên, Giám đốc điều hành DNES bày tỏ hy vọng chương trình này tạo được nguồn giảng viên khởi nghiệp cho các trường ĐH, từ đó dần dần đưa môn học khởi nghiệp vào nhà trường, tạo cho SV tinh thần khởi nghiệp và nền tảng kiến thức để khởi nghiệp thành công.

Theo thông tin từ Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC), đề án “Đào tạo và Huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2020” được UBND thành phố đồng ý cho chủ trương thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo đối với thanh niên, sinh viên Đà Nẵng. Dự kiến giữa năm 2018, đề án sẽ được hoàn thành với sản phẩm đáng chú ý là bộ giáo trình khởi nghiệp sáng tạo dùng chung cho trường đại học và các khóa đào tạo xã hội, phù hợp với thực tiễn của thành phố.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.