Những thách thức lớn của công tác vận hành hồ thủy điện Krông H’Năng (tỉnh Phú Yên) khiến ông Phạm Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Ba (Đà Nẵng) quyết định nghiên cứu lại thủy văn. Từ việc lần tìm cái sai để sửa, ông Phong có những ý tưởng, sáng chế những thiết bị công nghệ cao về trị thủy đã và đang được áp dụng rộng rãi.
Thiết bị đo mực nước hồ tự động được lắp đặt tại hồ thủy điện Krông H’Năng. |
Năm 2012, vấn đề thủy điện ở miền Trung nóng bỏng khi Thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra sự cố nước thấm qua thân đập, đe dọa an toàn đập và bắt đầu xảy ra các trận động đất kích thích. Trong khi đó, việc hồ thủy điện A Vương xả lũ sốc về hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn giữa lúc cơn bão Ketsana (cuối tháng 9-2009) càn quét Đà Nẵng, Quảng Nam được xem là nguyên nhân gây lũ chồng lũ cho hạ du.
Tại hội thảo khoa học “An toàn trong xây dựng đập và vận hành hồ chứa” do Đại học Đà Nẵng tổ chức tháng 6-2012, ông Phạm Phong trình bày đề tài “Xả lũ hợp lý tại thủy điện Krông H’Năng và bài học kinh nghiệm về xả lũ” sau 2 năm vận hành xả lũ ở hồ thủy điện này.
Giải pháp mà ông Phong đưa ra khá đơn giản nhưng hiệu quả trong việc dự báo lưu lượng lũ về hồ bằng cách hiệu chỉnh liên tục các tham số mặt đệm của các tiểu lưu vực để tính toán lưu lượng lũ thực đến hồ chứa từ toàn lưu vực. Ngôn từ khoa học phức tạp nhưng thực tế là tăng cường hệ thống đo đếm, bố trí nhiều thiết bị đo lượng mưa và đo lưu lượng dòng chảy trên các dòng sông, suối nhỏ chảy về hồ thủy điện để làm căn cứ tính toán vận hành điều tiết hồ chứa và xả lũ; từ đó giải bài toán điều tiết lũ tối ưu mà không ảnh hưởng đến bài toán phát điện kinh tế.
“Khi đến đợt mưa lũ, công ty yêu cầu các điểm đo đếm đồng loạt đo liên tục 2 giờ/lần và báo về lãnh đạo công ty thông qua tin nhắn điện thoại; bố trí cán bộ trực 24/24 giờ để nhận thông tin và phân tích tình hình, từ đó đưa ra nhận định và dự báo tình hình lũ về để tính toán xả lũ hợp lý”, ông Phong cho biết thêm. Các nhà khoa học, chủ hồ thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tham dự hội thảo thống nhất cao với phương pháp này. Từ đó, các hồ thủy điện tăng cường bố trí hệ thống đo đếm phủ khắp hồ chứa để có cơ sở vận hành điều tiết lũ hợp lý.
Chưa thỏa mãn với việc bố trí dày đặc hệ thống đo đếm trên khắp mặt hồ thủy điện để thu thập số liệu đầu vào tính toán vận hành điều tiết lũ, ông Phong thấy rằng, việc đo đạc chính xác mực nước hồ rất quan trọng vì khi lũ về hồ nhiều tạo ra sóng nước nhấp nhô với cao trình chênh lệch rất lớn, dẫn đến sai số quá lớn.
Trong khi đó, nếu đo sai mực nước hồ 1mm thì tương đương trữ lượng 200m3 nước trong 1 phút, dẫn đến bị động và thiếu hợp lý trong vận hành xả lũ. Vì thế, ông Phong bắt đầu nghiên cứu thiết bị đo mực nước hồ; sau hơn 10 lần cải tiến, thiết bị có thể đo được chính xác mực nước hồ. Sáng tạo này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền và được UBND thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen năm 2017.
Thiết bị đo mực nước hồ và hệ thống đo đếm trên khắp mặt hồ được ông Phong nâng cấp thành tự động hóa, thậm chí tự động gửi số liệu qua tin nhắn SMS. Từ đây, ông cùng công ty nghiên cứu giải pháp vận hành xả lũ hồ chứa tự động với ưu điểm là lưu lượng lũ xả về hạ du thấp nhất, mực nước trên các sông ở hạ du thấp nhất; khi kết thúc trận lũ, hồ chứa tích nước đến mực nước dâng bình thường.
Những công trình, sáng chế của ông Phong đang được áp dụng tại các hồ thủy điện khác, đặc biệt hệ thống đo mực nước tự động đã được lắp đặt tại đập thủy điện Đăk Mi 4A trước mùa lũ năm 2017, góp phần vào công tác vận hành xả lũ hồ thủy điện này về hạ du sông Vu Gia vừa qua. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn phấn khởi: “Những giải pháp, ứng dụng của ông Phong và Công ty CP Sông Ba đang mở rộng áp dụng sang các lưu vực sông khác, được đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học, tổ chức và các nhà máy điện đánh giá cao”.
Với những thành tích của mình, ông Phong vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Ông Phong và Công ty CP Sông Ba đang được giao thực hiện các đề tài nghiên cứu vận hành xả lũ liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và lưu vực sông Ba; ngoài ra, còn được giao nghiên cứu giải pháp chống xâm thực bờ biển Liên Chiểu và chống xâm nhập mặn ở Nhà máy nước Cầu Đỏ ở thành phố Đà Nẵng.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP