Du lịch biển hướng đến chuyên nghiệp

.

Hiện nay, Đà Nẵng được nhiều trang web uy tín đánh giá là điểm đến hấp dẫn hàng đầu cả nước ở phân khúc khách nội địa cũng như có lượng khách quốc tế tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài những danh lam thắng cảnh, khu, điểm vui chơi giải trí hấp dẫn thì bãi biển xanh-sạch-đẹp cùng với việc đầu tư, quản lý, tổ chức ngày càng chuyên nghiệp đã giúp thành phố thu hút đông du khách.

Du khách phấn khích nhìn ngắm những tượng cát trên bãi biển Phạm Văn Đồng, một hoạt động trong chương trình Mùa du lịch biển 2018.
Du khách phấn khích nhìn ngắm những tượng cát trên bãi biển Phạm Văn Đồng, một hoạt động trong chương trình Mùa du lịch biển 2018.

Theo các đơn vị lữ hành lớn trên địa bàn thành phố, biển và các dịch vụ liên quan đến biển là một trong những lợi thế lớn nhất góp phần thu hút du khách cho Đà Nẵng. Đánh giá từ trang web đặt phòng trực tuyến lớn Agoda cho thấy, du lịch biển Đà Nẵng vượt trội hơn hẳn một số tỉnh, thành phố khác do có bãi biển sạch, đẹp; lượng phòng khách sạn, nhất là khu vực gần biển khá nhiều với giá linh hoạt; không có nạn chặt chém, chèo kéo khách; an ninh, an toàn được bảo đảm…

Những vấn đề làm cản trở sức hấp dẫn của du lịch biển Đà Nẵng như: nghèo nàn các dịch vụ vui chơi giải trí, chất lượng các loại hình kinh doanh dịch vu tại các khu du lịch biển còn bất cập… vốn bị phản ánh nhiều trước đây thì nay đã được các ngành chức năng nỗ lực khắc phục.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho hay: “Gần như 100% khách đăng ký tour đến Đà Nẵng của chúng tôi đều mong muốn được đặt phòng khách sạn ở gần khu vực biển. Tắm biển, ngắm biển và đi dạo biển đã trở thành nhu cầu không thể thiếu mỗi khi du khách đến Đà Nẵng”.

Theo đánh giá của ông Tùng, du lịch biển ở Đà Nẵng đang dần chuyên nghiệp hơn trong khâu quản lý, tổ chức các hoạt động dịch vụ, phụ trợ đi kèm. Trong các tháng cao điểm hè (từ tháng 3 đến hết tháng 9) hằng năm, tại các bãi biển Đà Nẵng, hàng loạt hoạt động hấp dẫn và phong phú được tổ chức, gia tăng cả về số lượng cũng như chất lượng với các chương trình được tổ chức quy mô như: Mùa du lịch biển, Đà Nẵng- Điểm hẹn mùa hè...

Hiện nay, đến với các bãi biển ở Đà Nẵng, du khách không chỉ tắm biển mà còn được tham gia nhiều hoạt động ngoài trời như: thi ngoáy thúng, dù lượn, đua thuyền, âm nhạc bãi biển, khiêu vũ, không gian ẩm thực ven biển… Các chương trình ca nhạc cũng được tổ chức thường xuyên hơn tại khu vực bãi biển Phạm Văn Đồng. Tất cả đã góp phần tạo nên một không gian sinh hoạt cộng đồng ven biển.

Bên cạnh việc nâng cao số lượng và chất lượng các hoạt động vui chơi, giải trí ở biển, công tác quản lý các dịch vụ liên quan đến điểm kinh doanh giải khát, cứu hộ cứu nạn được tổ chức chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện nay dọc 2 tuyến biển là Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Tất Thành có 23 tổ kinh doanh dịch vụ với 132 hộ kinh doanh dịch vụ ghế ngồi, bãi tắm nước ngọt, cho thuê áo phao, giải khát… được kiểm soát chặt chẽ và đưa vào nền nếp bằng cách tổ chức thành từng tổ kinh doanh, phân khu một cách khoa học.

Giá dịch vụ cũng được niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết để du khách yên tâm lựa chọn. Các hộ đăng ký kinh doanh tại các bãi biển ký cam kết về bảo đảm văn minh thương mại, có thái độ ứng xử, giao tiếp đúng mực với khách hàng, không để xảy ra tình trạng hàng rong chèo kéo khách, vứt rác bừa bãi.

Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thông tin, để du lịch biển ở Đà Nẵng được tổ chức ngày càng bài bản và tăng tính chuyên nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu là điểm đến đẳng cấp quốc tế, Sở Du lịch đã có kế hoạch dài hạn trong đầu tư cơ sở vật chất, nâng tầm công tác quản lý, quảng bá.

Cụ thể, tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa sẽ được quy hoạch, phân khu các tổ kinh doanh dịch vụ nhằm đáp ứng cho từng đối tượng du khách; kêu gọi xã hội hóa loại hình dịch vụ khu nhà phao trên biển dành cho trẻ em; xã hội hóa đầu tư các nhà vệ sinh công cộng ven biển có thu phí, lắp đặt các bảng biểu nội quy, cảnh báo bằng nhiều thứ tiếng, lắp đặt điểm nghỉ chân, sạc điện thoại, phát wifi miễn phí, triển khai hệ thống thanh toán trực tuyến khi sử dụng dịch vụ tại bãi biển...

Để tạo nét đặc trưng và khác biệt so với tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, tuyến biển Nguyễn Tất Thành được đầu tư theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của đối tượng sinh viên các trường đại học, công nhân các khu công nghiệp...

Việc kêu gọi xã hội hóa để đầu tư cụm dịch vụ tổng hợp gồm: bar - cà-phê biển, dịch vụ lưu trú qua đêm trên bãi biển bằng lều, cắm trại, ẩm thực, yoga tại bãi biển quận Liên Chiểu; đầu tư dịch vụ thể thao giải trí biển tại địa bàn quận Thanh Khê; quy hoạch đầu tư mới bãi tắm công cộng bắc Xuân Thiều…

Đối với công tác cứu hộ, ngoài việc thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên, bảng khuyến cáo bằng nhiều ngôn ngữ cũng được lắp đặt. Đặc biệt, với thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc, 2 mô-tô nước được trang bị nhằm hỗ trợ kịp thời việc cứu hộ trên biển.

“Chúng tôi đã và đang xây dựng những clip, hình ảnh đẹp, hấp dẫn về các bãi biển tại Đà Nẵng, đẩy mạnh quảng bá trên các kênh truyền thông, mạng xã hội phổ biến để tăng tính chuyên nghiệp và đẳng cấp cho du lịch biển Đà Nẵng”, ông Phan Minh Hải cho hay.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.