Cẩn trọng trước thông tin "ảo"

.

Như thường lệ, cứ gần Tết Nguyên đán là thị trường nhà, đất rục rịch tăng giá và kéo dài qua những tháng sau Tết. Năm nay, thị trường nhà, đất tăng “nóng” và khó đoán điểm dừng.

Hiện tại, có những khu vực giá đất tăng gấp 2-3 lần chỉ sau 3 tháng. Điển hình như tại phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà), những khu đất trống hoặc nhà cấp bốn trong các kiệt, hẻm nhỏ tăng giá từ 10-18 triệu đồng/m2 lên 30-55 triệu đồng/m2. Ở khu vực này, một lô đất rộng 60-70m2 trong các kiệt hẻm nhỏ “đội” giá từ 1 tỷ đồng trước Tết lên 3-3,5 tỷ đồng hiện nay. Mỗi căn nhà cấp bốn với diện tích đất 90-100m2 cũng tăng từ 1,5 tỷ đồng lên 4 tỷ đồng.

Tương tự, tin đồn sắp triển khai một dự án lớn kết hợp với việc có nhiều người từ nơi khác đến tìm mua đất khiến giá đất ở các khu vực xã Hòa Tiến, Hòa Khương (huyện Hòa Vang) “nóng” lên từng ngày. Thông tin sắp triển khai dự án cảng Liên Chiểu cũng khiến nhà, đất khu vực quận Liên Chiểu và xã Hòa Liên, Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) tăng đột biến, gấp 2-3 lần so với tháng 10-2018…

Với những gì đang diễn ra, không khó hình dung những hệ lụy, tác hại không nhỏ đến kinh tế-xã hội từ tình trạng sốt đất. Trước hết, tình trạng mua bán đất với hình thức chủ yếu là “lướt sóng” kiếm lời dẫn đến việc bỏ hoang đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng sẽ nhiều và gây lãng phí. Tiếp đó, với tốc độ tăng giá đất quá nhanh, nhiều nhà đầu tư vào sau và người dân thành phố sẽ khó lòng mua được nhà, đất sau này.

Cùng với đó, nhiều người không biết đâu là giá trị thực của nhà, đất để đầu tư cho hiệu quả. Nhiều người phải vay mượn ngân hàng với số tiền lớn để đầu tư vào đất. Lo ngại nhất, do giá đất tăng quá nhanh và có phần sốt ảo nên có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự phát triển kinh tế  cũng như gây bất ổn xã hội.

Đặc biệt, thời gian qua, xuất hiện một số tin đồn thất thiệt chia tách huyện Hòa Vang và thành lập quận mới, sáp nhập một số xã, phường và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) về thành phố Đà Nẵng… Cùng với đó là những tin đồn sắp triển khai các dự án đầu tư xây dựng có quy mô lớn càng làm cho nhiều người đầu tư quyết định “xuống tiền”.

Mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã kịp thời có những thông tin “bóc mẽ” những chiêu trò này của một số đối tượng “cò” đất và cảnh báo tình trạng “sốt đất ảo”, khuyến cáo người mua thận trọng cũng như tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai…, nhưng việc rao bán, hỏi giá, trao đổi thông tin về đất đai ở các khu vực nói trên vẫn diễn ra sôi động, nhất là trên một số trang mạng xã hội về thông tin mua bán bất động sản lớn.

Đáng nói, cũng có không ít thông tin rao bán đất chưa tách thửa, đất nông nghiệp, đất có giấy tờ “3 lá”, đất giấy tờ phường và nhiều lô đất chưa hình thành, chưa có sổ hồng... Thậm chí, một số lô đất tại 3 dự án khu đô thị ở thị xã Điện Bàn của Công ty CP Bách Đạt An vừa bị Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam yêu cầu dừng tất cả các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất cũng đang được rao bán. Đây là những rủi ro cho những nhà đầu tư và người mua đất để xây dựng nhà ở, nhất là những người đầu tư cuối cùng khi đã chi số tiền rất cao.

Trước tình hình này, Sở Xây dựng thành phố vừa có khuyến cáo, lưu ý các cá nhân khi thực hiện giao dịch mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị cần phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện giao dịch để tránh thiệt hại có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bên cạnh sự khuyến cáo, vào cuộc, điều tiết của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với các đối tượng tung các tin đồn thất thiệt, các nhà đầu tư, người dân thành phố cần cẩn trọng và tính toán cách đầu tư bền vững, lâu dài, nhất là trước làn sóng đầu tư vào Đà Nẵng sắp tới khi những nỗ lực của chính quyền thành phố về thu hút đầu tư đã, đang mang lại những kết quả trông thấy.

THƯ ĐĂNG

;
;
.
.
.
.
.