Được thiên nhiên ưu đãi đa dạng về tài nguyên tự nhiên, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống nên sông Cu Đê trở thành điểm đến đặc trưng của thành phố. Tuy nhiên, việc khai thác hoạt động du lịch sông Cu Đê hiện vẫn còn bỏ ngỏ.
Dù có tiềm năng nhưng việc khai thác hoạt động du lịch sông Cu Đê hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Trong ảnh: Một góc tuyến sông Cu Đê thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc. |
Sông Cu Đê tính từ vị trí bắt đầu ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) về tới biển Đà Nẵng khoảng 20km, đoạn nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) có chiều dài khoảng 3km.
Tuyến sông Cu Đê được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên du lịch còn nguyên sơ, là tuyến đường thủy quan trọng và có nguồn lợi thủy sản phong phú, trở thành các món ăn đặc sản của người dân địa phương, như: gỏi cá Nam Ô, cá đối Cu Đê… Nơi đây còn có các địa danh chứng tích một thời như: cầu Thủy Tú, cồn Đình, cồn Dâu, hầm Vàng, đá Bà, núi Cấm...
Ngoài ra, quận Liên Chiểu còn có 4 đình làng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, như: Đình Trung Nghĩa, đình Hòa Mỹ, đình Đà Sơn, đình Xuân Dương; các giếng cổ, mộ cổ, làng chài, làng nghề nước mắm Nam Ô… đã và đang trở thành điểm đến của những nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước thích tìm đến sự thanh bình của một làng quê.
Lợi thế và tiềm năng là vậy, nhưng trên thực tế, việc khai thác du lịch sông Cu Đê vẫn chưa được đầu tư đúng tầm; thậm chí, tuyến sông này còn đang bị bỏ ngỏ. Ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho rằng, hiện hầu hết các hạng mục cơ sở vật chất phục vụ cho việc phát triển loại hình dịch vụ, du lịch trên tuyến sông Cu Đê dường như không có, ngoại trừ một phương tiện mới được đầu tư bởi Công ty Tân Cường Thành có công suất 15CV, hầu hết các chủ phương tiện còn lại đều chưa có sự chuẩn bị cho việc chuyển đổi hoặc nâng cấp để phục vụ cho loại hình dịch vụ du lịch này.
“Chính quyền địa phương cũng đề nghị với quận, thành phố cần xúc tiến sớm việc thành lập đội ghe du lịch, mở các đợt tập huấn nghiệp vụ, văn minh thương mại cho các chủ phương tiện và đội ngũ nhân viên phục vụ tại các đội ghe; đồng thời, chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ và kết nối hỗ trợ lẫn nhau để tránh sự đơn điệu nghèo nàn và thiếu tính chuyên nghiệp của các đội ghe du lịch”, ông Hải nói.
Đến từ Hà Nội, anh Lê Tuấn Sơn vừa có chuyến trải nghiệm du lịch thú vị dọc sông Cu Đê cùng với nhóm bạn ở Đà Nẵng. Anh Sơn nhận xét: “Khám phá dòng sông Cu Đê, tôi cảm giác thanh bình, yên ả khi lênh đênh theo dòng nước, ngắm vẻ đẹp thiên nhiên, khám phá các làng nghề, làng chài và ngắm ngư dân đánh bắt tôm, cá… ngay trên sông. Thế nhưng, điều đáng buồn là các dịch vụ được khai thác phục vụ tại tuyến sông Cu Đê còn đơn điệu, lẻ tẻ, chưa tạo ra tính chuyên biệt và nét đặc trưng nên chưa thỏa mãn được nhu cầu của du khách”.
Có thể thấy, những năm qua, hoạt động du lịch sinh thái trên địa bàn quận Liên Chiểu chủ yếu là phát triển tự phát, chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch sinh thái đúng nghĩa và hấp dẫn. Việc khai thác thiếu tầm nhìn tổng thể nên sản phẩm du lịch còn đơn điệu, kém hấp dẫn, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch mà thiên nhiên “ban tặng” cho Liên Chiểu. Chính vì vậy, việc xây dựng sản phẩm đặc thù, hấp dẫn tại tuyến sông Cu Đê là cấp thiết và cần thiết nhằm phát huy thế mạnh của khu vực này, cải thiện khả năng cạnh tranh chung, nâng cao sức hấp dẫn của vùng ven thành phố.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Liên Chiểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: “Đầu tư xây dựng và hoàn chỉnh hạ tầng du lịch, các thiết chế văn hóa lịch sử để phục vụ phát triển du lịch. Khai thác có hiệu quả tuyến sông Cu Đê, để cùng với khu du lịch Suối Lương - đèo Hải Vân - Xuân Thiều - Nam Ô -Thủy Tú - Làng Vân - vệt du lịch dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành trở thành tuyến du lịch sinh thái, văn hóa đặc sắc của quận”.
Ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Liên Chiểu cho biết, quận đã xây dựng đề án “Phát triển dịch vụ du lịch tuyến sông Cu Đê giai đoạn 2019-2021 và tầm nhìn đến năm 2025”. Giai đoạn đầu của đề án sẽ được triển khai trong năm 2019 hoàn thành trong năm 2020 gồm các hạng mục: triển khai đóng mới, chuyển đổi ghe du lịch, xây dựng bến thuyền, cầu tàu, cụm dịch vụ, nhà hàng, làng chài, lập bảng giới thiệu tên tại các địa danh, đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng, hệ thống điện, nước, cây xanh…
Giai đoạn 2020-2021, định hướng đến 2025 gồm các hạng mục: tôn tạo các di tích theo đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn quận Liên Chiểu; đề xuất xây dựng tuyến đường dọc sông Cu Đê từ bờ kè ven biển đến núi Hầm Vàng (khoảng 1km) để phát triển giao thông kết hợp phát triển du lịch và phục vụ quốc phòng; nâng cấp cải tạp các trục giao thông trong các khu vực hình thành các điểm du lịch, tôn tạo cụm di tích tại Nam Ô - Thủy Tú - Kim Liên…
Về tính hiệu quả của đề án, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, việc triển khai đề án này chắc chắn sẽ tạo tiền đề cho tiến trình phát triển du lịch tuyến sông Cu Đê theo đúng quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt; bởi mục tiêu của đề án là phát triển du lịch sông Cu Đê kết hợp với du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh nhằm phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị sinh thái núi và danh lam thắng cảnh của quận để xây dựng các loại hình sản phẩm du lịch đặc thù của ngành du lịch Liên Chiểu.
Còn đối với cơ chế chính sách, huy động nguồn vốn và kêu gọi đầu tư triển khai thực hiện đề án, quận đã xây dựng cơ chế chính sách quy định về hỗ trợ và ưu đãi mặt bằng ki-ốt cụm dịch vụ, làng chài, làng nghề cũng như tạo điều kiện về hành lang pháp lý để chuyển đổi, hình thành đội ghe du lịch…; khuyến khích khai thác, sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển du lịch tại sông Cu Đê.
Tuy nhiên, đối với các hạng mục như xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch thiết yếu, trong đó chủ yếu là các công trình về bến thuyền, cầu tàu, nhà vệ sinh công cộng, giao thông, mạng lưới điện, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, hoạt động quản lý, xúc tiến du lịch sẽ được ưu tiên bằng nguồn vốn ngân sách của quận và thành phố. Còn đối với các hạng mục khác của đề án, quận sẽ đẩy mạnh công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
“Khi đề án được thực hiện, tuyến du lịch sinh thái sông Cu Đê không những mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn tạo nên sự thay đổi về nhận thức làm kinh tế thông qua chuyển đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn sang dịch vụ thương mại thông qua tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ gia đình từ các hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch… Ngoài ra, khi dự án phát triển sẽ góp phấn kích thích các hoạt động về dịch vụ thương mại phát triển theo, làm thay đổi lớn “bộ mặt” vùng Tây Bắc của quận Liên Chiểu”, ông Đàm Quang Hưng khẳng định.
Bài và ảnh: Trọng Hùng