Hướng đến thành phố thực phẩm thông minh

.

Nhiều giải pháp, kiến nghị đã được đưa ra tại hội thảo “Chiến lược xây dựng thành phố thực phẩm thông minh cho thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030”, được tổ chức ngày 12-3.

Một trong những mục tiêu Thành phố thực phẩm thông minh hướng tới là bảo đảm đầu ra bền vững cho người sản xuất nông sản sạch. Trong ảnh: Nông dân sản xuất rau an toàn tại HTX Rau an toàn Túy Loan.
Một trong những mục tiêu Thành phố thực phẩm thông minh hướng tới là bảo đảm đầu ra bền vững cho người sản xuất nông sản sạch. Trong ảnh: Nông dân sản xuất rau an toàn tại HTX Rau an toàn Túy Loan.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án hỗ trợ không hoàn lại của Quỹ Nghiên cứu Tư vấn Việt - Bỉ (SCF) và tổ chức phi chính phủ Rikolto (Bỉ) khi chọn Đà Nẵng là 1 trong 6 thành phố trên toàn thế giới xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, thông minh hướng tới người tiêu dùng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh vai trò của các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) đối với việc thay đổi thói quen, nhận thức và hành vi của người tiêu dùng về một thành phố thực phẩm sạch, an toàn. “Đà Nẵng đang triển khai nhiều biện pháp bảo đảm ATTP nhưng hiện cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hội thảo với chủ đề “Chiến lược xây dựng thành phố thực phẩm thông minh cho thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030” là nền tảng cho việc xây dựng chính sách, định hướng quản lý ATTP trên địa bàn thành phố trong thời gian đến”, ông Lê Trung Chinh nói; đồng thời, đề nghị Ban Quản lý (BQL) ATTP thành phố tiếp tục làm việc với các chuyên gia, ghi nhận các ý kiến đóng góp, phản biện trước khi hoàn thiện đề án và triển khai các hạng mục vào thực tế.

Bà Charlotte Flechet, Điều phối viên mạng lưới Thành phố thực phẩm thông minh (Rikolto) chia sẻ, mô hình thành phố thực phẩm thông minh đã thành công tại một số thành phố ở Bỉ và trên thế giới. Mô hình này giúp địa phương tạo ra chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn gọn, rõ rệt, tái sử dụng thực phẩm lãng phí, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bền vững.

Liên quan đến vấn đề tiêu thụ thực phẩm, ông Bùi Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Túy Loan chia sẻ, việc tìm kiếm đầu ra cho rau an toàn của thành phố hiện nay đang có vấn đề. “Mỗi ngày chúng tôi cung cấp khoảng 1 tấn rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho thị trường nhưng 60% sản lượng hiện nay lại được bán ở chợ với giá rẻ hơn 30% so với những mặt hàng bán ở siêu thị. 7 năm qua, 40 thành viên của hợp tác xã đều thực hành sản xuất rau sạch trên diện tích 15 hecta nhưng lại không có đầu ra. Thực tế này hoàn toàn mâu thuẫn với việc Đà Nẵng hiện nay đang phải nhập một lượng nông sản lớn về phục vụ nhu cầu tiêu dùng”, ông Dũng cho biết.

Cùng quan điểm này, bà Quách Thị Xuân, Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố cho biết, các hợp tác xã sản xuất nông sản sạch trên địa bàn thành phố hiện nay đang rất cần sự hỗ trợ để hoạt động. “90% thực phẩm tiêu dùng của Đà Nẵng phải nhập từ các địa phương khác, lực lượng chức năng phải triển khai nhiều kế hoạch để giám sát hoạt động này, trong khi những mặt hàng nông sản sạch được sản xuất tại địa bàn thành phố lại không tìm được nơi tiêu thụ. Chúng ta đang rơi vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu thực phẩm”, bà Xuân nói.

Tiến sĩ Thái Thị Minh, Giám đốc Khu vực của Rikolto cho rằng, hệ thống thực phẩm nông sản tiêu thụ trên thị trường Đà Nẵng xuất phát từ nhiều nguồn, phần lớn là từ các địa phương trong và ngoài nước. Chính quyền thành phố đã triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, giám sát ATTP… nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. “Chính vì vậy, Đà Nẵng phải tăng cường thanh tra và kiểm soát chuỗi giá trị rau quả để bảo đảm tất cả các loại rau trên thị trường được sản xuất an toàn, nhanh chóng thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc cho chuỗi giá trị hải sản, thịt lợn và rau củ quả. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi cũng cần phải hướng đến chuyên nghiệp”, bà Minh đề nghị. Thành phố thực phẩm thông minh thu hút người dân, du khách cũng mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực ẩm thực, đồng thời giảm thiểu những tác động xấu đến sức khỏe của xã hội một cách tối đa.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố cho biết, từ năm 2018, khi được UBND thành phố phê duyệt dự án nghiên cứu thành phố thực phẩm thông minh, đơn vị đã phối hợp với SCF, Tổ chức Rikolto cùng nhau đánh giá hiện trạng, những cơ hội, thách thức của Đà Nẵng trong việc triển khai nhiệm vụ này. “Đề án này rất cần cho chiến lược phát triển chung của thành phố, hướng đến môi trường thực phẩm tốt hơn, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn hơn. Một cách dễ hiểu, thành phố thực phẩm thông minh là thành phố bảo đảm đầy đủ các nhu cầu của người dân khi họ dễ dàng nhận biết thực phẩm bán ở đâu, chủng loại, giá cả như thế nào, nguồn gốc, chất lượng ra sao. Tuy nhiên, đây là mô hình tiên phong trên thế giới với rất nhiều nhiệm vụ nên không thể áp dụng hoàn toàn mà chỉ có thể triển khai từng lĩnh vực riêng lẻ khác nhau”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, hiện đơn vị đang triển khai cơ sở dữ liệu chung về ATTP, là nơi lưu trữ các hoạt động các đối tượng liên quan đến vấn đề này. Người dân sẽ tham gia trong việc nhận diện, phản ánh chất lượng trên cơ sở cơ quan chức năng sẽ cung cấp mã số định danh cho các loại hàng hóa, nguồn gốc để người tiêu dùng chủ động trong việc nhận diện và lựa chọn thực phẩm.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.