Nông sản sạch của chị em Mân Thái

.

Phường Mân Thái (quận Sơn Trà) có một dự án khởi nghiệp đặc biệt - cửa hàng Nông sản Sạch - An toàn do chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vận hành mang lại thu nhập ổn định cho chị em.

Các chị em phụ nữ phường Mân Thái là người vận hành cửa hàng.
Các chị em phụ nữ phường Mân Thái là người vận hành cửa hàng.

Một buổi sáng thứ 7 đầu tháng 9, góc ngã tư đường Phùng Tá Chu - Phạm Vấn (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) rộn ràng hơn thường lệ nhờ phiên hội chợ nông sản do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Mân Thái và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tổ chức. Địa điểm của hội chợ chính là cửa hàng Nông sản Sạch - An toàn của các chị em phụ nữ khó khăn trong phường. Ở quầy thu ngân sát cửa, chị Trần Thị Kim Sương thoăn thoắt cầm từng món hàng khách mua, đặt lên cân rồi tính tiền. Dường như người mua, người bán ở đây đều biết nhau nên họ bông đùa rôm rả. Cầm lấy giỏ hàng vừa trả tiền xong, một người khách hài hước nói: “Thôi cười no bụng rồi, trưa nay khỏi nấu nướng gì nữa.”

Cửa hàng Nông sản Sạch - An toàn là một dự án sinh kế thuộc Chương trình Vùng đô thị Sơn Trà do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Đà Nẵng tài trợ. Chị Sương tham gia dự án từ đầu năm 2018. Mỗi ngày, chị trực cửa hàng từ sáng đến đầu giờ chiều rồi tối về bán quán tại nhà. Chị bảo: “Mỗi tháng, tôi được thêm 1,5-1,8 triệu đồng từ cửa hàng, nhưng quan trọng nhất là việc tôi được học thêm kiến thức kinh doanh, kỹ năng chăm sóc khách hàng… đã tự tin hơn trong công việc và đời sống hằng ngày.”

Chị Lê Thị Kiều Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Mân Thái chia sẻ: “Phường chúng tôi ở ven biển, đa phần người dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Ở đây cũng có nhiều phụ nữ nghèo, đơn thân, không có nổi cái nghề ổn định để lo cho mình và cho con”. Đầu năm 2018, khi Tổ chức Tầm nhìn Thế giới triển khai dự án tại phường, chị bắt đầu tìm kiếm thành viên tham gia. Cái khó là nhiều chị em dù chưa có việc làm nhưng lại không quen với việc khởi sự doanh nghiệp nên chẳng mấy mặn mà với dự án. Cuối cùng, cửa hàng Nông sản Sạch - An toàn được lập nên vào tháng 11-2018 với 3 chị em ở phường Mân Thái.

Cửa hàng ra đời với không ít khó khăn do cách đó chỉ vài trăm mét là chợ Mân Thái - “đối thủ cạnh tranh” hạng nặng với đủ loại mặt hàng thực phẩm với giá rẻ. Trong khi đó, cửa hàng cung cấp nông sản sạch, an toàn lại có giá đầu vào tương đối cao hơn. Do vậy, các chị em phụ trách cửa hàng phải tích cực tiếp thị, bán hàng qua các trang mạng xã hội, tiếp cận đến đối tượng cán bộ công chức, cơ quan, trường học… Vừa làm, các chị vừa trau dồi kiến thức về cách nhập hàng, kỹ năng kinh doanh, cách dùng phần mềm kế toán...

Chị Nga cho biết, hiện cửa hàng đang cung cấp các mặt hàng như gạo sạch Triệu Phong, gà sạch, trứng gà, tiêu, chanh dây, cam Quảng Trị; bưởi trụ Đại Bình, dầu phùng ép, gà sạch Nông Sơn; rong biển Sơn Trà, hải sản Mân Thái, rau củ sạch Tuý Loan. Tất cả mặt hàng đều có nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Hoàng Trọng Nghĩa, Trưởng Chương trình Phát triển vùng đô thị quận Sơn Trà (Tổ chức Tầm nhìn Thế giới) cho biết, cái khó nhất trong dự án này là làm sao để các chị em thay đổi thói quen sống hằng ngày, kiên trì học hỏi và nỗ lực vượt qua chính mình. “Cũng là mô hình nhóm sinh kế nhưng khi triển khai ở nông thôn, chỉ cần người dân trồng ra cây, nuôi được con thì đã có thể gọi là thành công. Còn ở đô thị thì phải làm sao bán có lãi, biết chăm sóc khách hàng, biết quản lý cửa hàng. Các kỹ năng này dù đã được tập huấn nhưng vẫn chưa ăn sâu vào nhận thức các chị em, song một điều chắc chắn là dự án đang chuyển biến tích cực”, anh Nghĩa nói.

Theo đó, mục tiêu của giai đoạn này là giúp các chị em nhận thức rằng mình có cơ hội thay đổi cuộc đời. Dự án chuẩn bị sang giai đoạn 2, tập trung vào đào tạo kiến thức kinh doanh với mục tiêu tăng số thành viên tham gia dự án. Cửa hàng Nông sản Sạch - An toàn hướng đến việc truyền cảm hứng cho các chị em phụ nữ khó khăn rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều có cơ hội vươn lên.

Khi có quyết tâm và khát vọng, sẽ có các nguồn lực sẵn sàng giúp đỡ. “Có những chị em trước nay chưa từng ra khỏi nơi cư trú, chỉ quẩn quanh từ cảng cá đến chợ rồi về nhà. Tham gia dự án, họ có cơ hội đi đến Quảng Nam, Quảng Trị để cùng chúng tôi tìm nguồn cung sản phẩm. Khi được đi, họ cũng đồng thời mở mang tầm hiểu biết. Chúng tôi tin rằng trong một gia đình, khi người mẹ mở rộng kiến thức, thì những đứa trẻ sẽ được hưởng lợi rất nhiều,” anh Nghĩa chia sẻ.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.