Doanh nghiệp khoa học và công nghệ có nhiều khởi sắc

.

Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên trái) tại buổi thăm và trao giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên trái) tại buổi thăm và trao giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường.

Doanh nghiệp KH&CN là doanh nghiệp (DN) thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thành phố Đà Nẵng hiện có 8 DN KH&CN, trong đó riêng năm 2019, Sở KH&CN đã hỗ trợ cấp giấy  chứng nhận cho 4 DN KH&CN (Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường; Công ty TNHH Châu Đà; Công ty TNHH Môi trường Xanh Sustech và Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước).

Theo đánh giá của Sở KH&CN, trong năm qua số DN được chứng nhận là DN KH&CN đạt vượt mức 4/3 DN so với kế hoạch đề ra. Đó là nhờ sự quan tâm của Chính phủ, Bộ KH&CN, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố và việc hỗ trợ sâu sát đến từng DN của Sở KH&CN và là dấu hiệu đáng mừng cho sự phát triển của các DN cũng như chứng tỏ các DN đã ngày càng xác định rõ vai trò và quan tâm đầu tư cho KH&CN.

Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường là một DN KH&CN rất chú trọng thúc đẩy hoạt động KH&CN; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh. Nổi bật như những nghiên cứu về thiết kế, chế tạo máy uốn thép hình trục đứng cỡ lớn; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy chuyên dùng để tiện khuôn ly tâm đúc ống bê-tông; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy cuốn ống chuyên dùng cho các công trình thủy điện; máy uốn thép định hình cơ động. Sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của DN này đã phục vụ đắc lực cho sự phát triển ngành cơ khí của thành phố trong những năm gần đây. Nhiều kết quả nghiên cứu của DN này đã đạt giải thưởng cao tại hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng.

Ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho biết, từ hai năm trước, công ty đã được Hội đồng KH&CN thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện để triển khai nghiên cứu về đề tài “Máy uốn thép hình trục đứng cỡ lớn” và được nhận hỗ trợ 650 triệu đồng từ nguồn Quỹ KH&CN. Sản phẩm này hoàn toàn do công ty tự nghiên cứu và chế tạo. Ông Hà Giang cũng mong muốn thành phố tiếp tục hỗ trợ cho nhiều DN cơ khí hơn nữa để các DN đồng hành cùng nhau trong sản xuất kinh doanh và đưa ngành cơ khí thành phố ngày càng phát triển.

Công ty TNHH Châu Đà là DN được cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN năm 2016 từ kết quả “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy CNC Plasma CP2060” để hình thành các sản phẩm máy cắt CNC Plasma CP1530, CP2060 và CP30120. Theo nhu cầu phát triển sản xuất, DN đã tiếp tục nghiên cứu “Chế tạo máy cắt đột V CNC” để hình thành sản phẩm: Máy cắt đột V CNC Model APS-35180-V200 và máy cắt đột V CNC Model APS-35180-V150. 

Với sản phẩm này, năm 2019, Sở KH&CN đã hoàn thành việc cấp bổ sung nội dung chứng nhận DN KH&CN cho Công ty TNHH Châu Đà. Đây cũng là một trong những DN có nhiều sự đầu tư cho KH&CN trong phát triển lĩnh vực cơ khí. Nổi bật với nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả của 2 hệ thống phục vụ ngành khí tượng thủy văn, hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng - VRAIN và hệ thống cảnh báo lũ thông minh - VFASS, Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước cũng đã được thành phố cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN.

Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp

Ngày 1-2-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về DN KH&CN, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi DN KH&CN như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng…

Theo đó, doanh nghiệp KH&CN được ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất và kinh doanh. DN KH&CN còn được ưu tiên, không thu phí khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở nghiên cứu KH&CN của Nhà nước.

Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp KH&CN có kết quả được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn đã được cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN công nhận thì được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách. Trường hợp kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh thì Nhà nước sẽ xem xét mua kết quả đó.

Nghị định mới của Chính phủ cũng bổ sung về thẩm quyền công nhận doanh nghiệp KH&CN, để tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian chứng nhận doanh nghiệp KH&CN của doanh nghiệp.

Điều kiện để trở thành một DN KH&CN, các DN được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận, có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm vẫn được cấp giấy chứng nhận khi chưa đáp ứng tỷ lệ doanh thu, điều này có ý nghĩa khuyến khích việc công nhận cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Với những điều kiện thuận lợi để các DN hiện nay có thể phát triển thành DN KH&CN và nhận được những ưu đãi của Nhà nước là động lực khuyến khích phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng cũng như DN cả nước nói chung.

Bài và ảnh: TRẦN NHIÊN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.