Ngày 13-1, tại Đà Nẵng diễn ra các hội thảo về đầu tư, du lịch, lao động Nhật Bản - Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Nikai Toshihiro cùng hơn 1.000 đại biểu là các nghị sĩ, lãnh đạo chính quyền, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Shiga, Nhật Bản. Ảnh: KHANG NINH |
Tham dự các sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Hồ Kỳ Minh và Lê Trung Chinh.
Tại hội nghị lãnh đạo địa phương Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã giới thiệu về môi trường và tiềm năng đầu tư của Đà Nẵng. Trong những năm qua, Đà Nẵng không ngừng phát triển quan hệ với chính quyền các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản. Đà Nẵng đã ký Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ chính thức với 4 thành phố của Nhật Bản (Kawasaki, Sakai, Yokohama, Kisarazu) và có quan hệ hợp tác với hơn 20 tỉnh, thành phố khác.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, trong thời gian tới, Đà Nẵng kỳ vọng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, phát triển cảng biển. Bên cạnh đó, hai bên tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, quản lý đô thị, xây dựng mô hình chính quyền cảng, xúc tiến mở rộng hợp tác về du lịch, giáo dục, y tế, nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân.
Theo ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, việc đầu tư của Nhật Bản ở các vùng tại Việt Nam có những đặc trưng riêng. Ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng…, chủ yếu là gia công xuất khẩu thiết bị tự động hóa nghiệp vụ văn phòng, phụ tùng ô-tô (Canon, Brother, Fuji Xero…) cũng như sản xuất xe và thiết bị điện gia dụng đáp ứng nhu cầu trong nước (Toyota, Honda, Yamaha, Panasonic, Daikin...).
Ở miền Nam như thành phố Hồ Chí Minh, chủ yếu gia công xuất khẩu hàng may mặc, phụ tùng, chế biến thực phẩm... quy mô vừa và nhỏ (Nidec, Olympus) hay sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng trong nước (Ajinomoto, Acecook, Yakult). Trong khi đó, ở miền Trung (Đà Nẵng), chủ yếu là gia công hàng xuất khẩu, du lịch, công nghệ thông tin (Foster Denki, Mabuchi Motor, Fujikura, Daiwa, Tokyo Keiki, Mikazuki...).
Phát biểu tại hội thảo xúc tiến đầu tư - thương mại và nhân lực Việt Nam - Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 813 dự án FDI với tổng vốn cam kết đầu tư là 3,47 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Đà Nẵng với 200 dự án (tổng vốn 900 triệu USD), tạo ra 20.000 việc làm trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và bất động sản, công nghệ thông tin, giáo dục.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư Nhật Bản, Đà Nẵng đã thành lập Japan Desk nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nhà đầu tư bằng tiếng Nhật như: tư vấn địa điểm đầu tư, hỗ trợ làm hồ sơ xin cấp phép đầu tư, hỗ trợ giải quyết các vấn đề sau đầu tư…
Trong lĩnh vực du lịch, Nhật Bản là một trong những thị trường quan trọng đối với Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Tại hội thảo xúc tiến du lịch song phương Việt Nam - Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định, trong nhiều năm qua, ngành du lịch Đà Nẵng không ngừng phát triển, hiện đã có 35 đường bay trực tiếp tạo thuận lợi để di chuyển từ Đà Nẵng đến nhiều nước châu Á, Đông Nam Á và chiều ngược lại.
Riêng Nhật Bản luôn nằm top 5 thị trường khách du lịch lớn nhất đến tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm tại Đà Nẵng; hiện nay đã có 2 đường bay trực tiếp. Năm 2019, thành phố đón hơn 190.000 lượt khách Nhật Bản, tăng hơn 15,8% so với năm 2018. Đà Nẵng luôn quan tâm nghiên cứu thị trường Nhật Bản để xây dựng những sản phẩm phù hợp.
Bước sang năm 2020, thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối du lịch giữa Đà Nẵng và Nhật Bản thông qua các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch Đà Nẵng tại Nhật Bản; tăng cường mở các đường bay; quảng bá du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, du lịch làng quê, cộng đồng; kết nối doanh nghiệp du lịch. Thành phố cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để khách du lịch, nhà đầu tư đến Đà Nẵng ngày một nhiều.
Tại hội thảo “Chiến lược phát triển du lịch Đà Nẵng” diễn ra với sự tham gia của gần 30 khách mời là đại diện lữ hành của Nhật Bản và đại diện lữ hành khai thác khách Nhật Bản tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, trong năm 2019, thành phố đã tổ chức thành công chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Tokyo - Nagoya - Osaka, tổ chức đoàn Famtrip khảo sát du lịch Nhật Bản; phối hợp các hãng hàng không đón các đoàn Famtrip, Presstrip Nhật Bản đến khảo sát, viết bài về du lịch Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam, thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên tiếng Nhật…
Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Đà Nẵng đã đạt được các giải thưởng du lịch quốc tế quan trọng như: xếp vị trí thứ 15 trong “Top 52 điểm đến du khách không thể bỏ qua trong năm 2019” do Tạp chí New York Times bình chọn; đạt giải thưởng “ASOCIO Smart city 2019” tại Hội nghị thượng đỉnh thành phố thông minh ASOCIO 2019.
Nhật Bản luôn nằm top 5 thị trường khách du lịch lớn nhất đến tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm tại Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Những vị khách Nhật Bản đến Đà Nẵng trên chuyến bay khai trương đường bay Hadena - Đà Nẵng dịp cuối năm 2019 Ảnh: THU HÀ |
Tại hội thảo về đầu tư, ông Saturu Takizawa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daiwa (Khu Công nghệ cao) chia sẻ về môi trường kinh doanh ở Đà Nẵng. Theo ông Takizawa, trong lĩnh vực sản xuất, Đà Nẵng có nguồn nhân lực dồi dào ổn định và chăm chỉ.
Chính điều này giúp việc chuyển giao công nghệ và kỹ năng dễ dàng hơn. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Đà Nẵng có mối hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và các doanh nghiệp và đã xây dựng được nguồn nhân sự tốt.
Trong lĩnh vực du lịch, Đà Nẵng có nhiều khu nghỉ dưỡng, các hoạt động giải trí, danh lam thắng cảnh. Số lượng chuyến bay giữa Đà Nẵng và Nhật Bản cũng ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, ông Takizawa cũng chỉ ra một số vấn đề mà Đà Nẵng đang đối mặt như: thiếu quỹ đất công nghiệp, thiếu nhân sự cho các vị trí quản lý cấp cao, giao thông công cộng chưa phát triển…
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các nhà đầu tư Nhật Bản có tiềm năng về vốn, công nghệ, thị trường, quản trị doanh nghiệp và thương hiệu. Đa phần họ là những nhà đầu tư nghiêm túc, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung đẩy mạnh hơn nữa làn sóng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, xây dựng kết cấu hạ tầng... có thể tạo giá trị gia tăng cao, có tính liên kết và lan tỏa với nền kinh tế trong nước.
Nhận định miền Trung vẫn còn đi sau 2 miền Bắc, Nam về thu hút đầu tư Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ đồng hành với các địa phương miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng để kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản cùng thực hiện mục tiêu đưa Nhật Bản thành nhà đầu tư nước ngoài tốt nhất của Việt Nam.
Chiều 13-1, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã có buổi tiếp ông Mikazumi Taizo, Tỉnh trưởng tỉnh Shiga (Nhật Bản) nhằm đặt nền tảng quan hệ để xúc tiến hợp tác giữa 2 địa phương trong thời gian đến. Tại buổi tiếp, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã giới thiệu chung về thành phố; đồng thời nhấn mạnh Đà Nẵng đang chú trọng phát triển công nghệ cao… Ông Mikazumi Taizo đánh giá cao những kết quả về kinh tế, du lịch của thành phố và đề nghị, trong thời gian đến sẽ giới thiệu kỹ thuật lọc nước của tỉnh Shiga và Nhật Bản đến Đà Nẵng; đồng thời tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu về xử lý, lọc nước giữa các kỹ thuật viên Nhật Bản và Đà Nẵng. Ngoài ra, hai bên sẽ đẩy mạnh việc giao lưu học hỏi giữa học sinh, sinh viên 2 nước, tạo mối liên kết, giao lưu thân thiết. PHONG LAN |
Tại lễ khai mạc các phiên hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhật Bản vào năm 2015, Việt Nam và Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố chung, nhấn mạnh kết nối kinh tế hai nước dựa trên 3 trụ cột: chiến lược phát triển, tăng cường năng lực sản xuất, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách cho doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo chuẩn quốc tế, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, lấy hiệu quả công nghệ và tác động môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên công nghệ cao, công nghiệp sạch, có khả năng lan tỏa với các khu vực trong nước và hợp tác với doanh nghiệp địa phương để hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ toàn cầu. Đối với Nhật Bản, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Nhật đầu tư vào các địa phương ở Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể không có quy mô vốn đầu tư lớn ở Việt Nam, nhưng Chính phủ Việt Nam mong muốn Nhật Bản là nhà đầu tư tốt nhất. KHANG NINH |
KHANG NINH - KHÁNH HÒA - THU HÀ