Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến các startup trên toàn thế giới. Theo các nhà đầu tư, thời điểm này các startup nên thắt chặt quan hệ nội bộ và với khách hàng, duy trì nguồn tiền mặt cần thiết trong thời gian càng dài càng tốt và tận dụng mọi sự hỗ trợ từ nhà đầu tư, khách hàng, đối tác…
Sami Lampinen, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm Inventure, Chủ tịch HĐQT Hiệp hội Vốn đầu tư mạo hiểm Phần Lan (FVCA): Tận dụng sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư
Trong thời kỳ khó khăn, chúng tôi khuyến khích các startup ngồi lại với các nhà đầu tư để xây dựng giải pháp tài chính. Trong trường hợp không có nhà đầu tư nào, hãy giảm việc “đốt tiền” (“cashburn” - tức dùng vốn để chi cho các hoạt động trước khi tạo ra được dòng tiền dương) càng sớm càng tốt; đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía khách hàng và đối tác. Tất cả mọi hành động của startup trong thời điểm này cần hướng đến việc tăng tín nhiệm để có thể có thêm vốn.
Inka Mero, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm Voima Ventures: Khủng hoảng là động lực sáng tạo của startup
Trước hết, hãy dành thời gian để chăm sóc đội ngũ của bạn. Hãy nói chuyện với các nhân viên, ban giám đốc và các nhà đầu tư. Đây là thời điểm phù hợp để bạn nhấc điện thoại lên và gọi điện cho các khách hàng hiện tại của mình. Trong giai đoạn khó khăn, các hoạt động kinh doanh mới sẽ phải nhường chỗ cho các mối quan hệ hiện có. Quan trọng là phải kết nối với khách hàng để bảo đảm doanh nghiệp tiếp tục vận hành. Cuối cùng, hãy nhớ rằng nhiều startup kỳ lân (tức những startup lớn, được định giá trên 1 tỷ USD) đã được gầy dựng trong những cơn khủng hoảng hoặc lao dốc kinh tế. Chính sự khan hiếm tài nguyên có thể là nguồn động lực sáng tạo của các startup.
Jan Sasse, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Tesi: Tập trung vào những yếu tố cốt lõi để “sống sót”
Trong bối cảnh mọi thứ đều không chắc chắn như hiện nay, mọi startup nên tìm cách kéo dài “đường băng tiền mặt” (“cash runway” - tức khoảng thời gian một công ty có thể duy trì việc chi trả các chi phí, thanh toán nợ mà không gọi thêm vốn) của mình. Đầu tiên, cần đánh giá lại xem các giả định trước đây về tăng trưởng doanh thu còn khả thi hay không (trong đa phần trường hợp, câu trả lời là không). Sau đó, xem xét các cách điều chỉnh chi phí, thường bắt đầu bằng việc hoãn các khoản đầu tư và chi phí liên quan đến tăng trưởng. Tập trung vào những yếu tố cốt lõi giúp công ty “sống sót” và quan tâm đến đội ngũ nhân sự. Đây là giai đoạn khó khăn đối với nhiều startup, song nhà quản lý cần thể hiện khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, duy trì tinh thần cho nhân viên. Hãy lưu ý rằng, các công ty lớn mạnh nhất hiện nay đã được tạo ra trong các cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tom Henriksson, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm OpenOcean: Xem xét lại tất cả các yếu tố nhân sự, tài chính, khách hàng...
Thứ nhất, ngay lập tức cắt giảm tất cả các chi phí không cần thiết và ngừng tuyển dụng nhân sự mới. Thứ hai, đánh giá lại các giả định về dòng chảy khách hàng bởi trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều khách hàng sẽ mạnh tay cắt giảm mọi chi phí. Thứ ba, xem xét ngân sách một cách thực tế để bảo đảm startup của bạn sẽ sống sót trong ít nhất 12 tháng tới ngay cả trong trường hợp xấu nhất. Thứ tư, hãy sáng tạo ra những cách để có thêm khách hàng mới và mang lại giá trị cho họ. Cuối cùng, đừng quên giữ gìn sức khỏe cho bản thân và đội ngũ của bạn để có thể làm việc hiệu quả trong giai đoạn này.
PHONG LAN (lược dịch từ slush.org)