Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Xây dựng thành phố Lê Tùng Lâm xác định, đối với ngành xây dựng, khoa học và công nghệ (KHCN) thì công nghệ mới, sản phẩm mới luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất; đặc biệt góp phần rút ngắn tiến độ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành công trình.
Các đơn vị thi công công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, đem lại hiệu quả về đầu tư và chất lượng công trình. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Trong thời điểm Covid-19, với việc thực hiện giãn cách xã hội, nhiều ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ cấp nước cũng tận dụng công nghệ mới để bảo đảm tối ưu hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy nhanh đồ án xây dựng thành phố thông minh. Theo đó, ngày 24-3, Viện DNIIT (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Cote d’Azure (Pháp) phối hợp với Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) giới thiệu công nghệ hệ thống quản lý nước thông minh - Smart Water Netword nhằm tiến tới ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý đo đếm nước và tính tiền sau công-tơ cũng như giảm thiểu tối đa thất thoát nước.
Theo GS,TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ nhiệm đề tài Smart Water Netword, việc sử dụng đồng hồ nước digital, hệ thống thu phát tín hiệu qua thử nghiệm đã cho kết quả tối ưu. Thông tin thu thập sẽ chuyển về hệ thống máy chủ, từ đó cơ quan quản lý nước sẽ phân tích dữ liệu, điều chỉnh hệ thống, tối ưu hóa lưu lượng, chống thất thoát, thu phí nước tự động mà không cần nhân viên đến từng hộ gia đình ghi số nước như hiện nay.
Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho biết, đơn vị này đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, vận hành đường ống, xuất hóa đơn điện tử..., góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng sử dụng nước, giảm thất thoát nước xuống dưới 15%. Thời gian tới, Dawaco cũng cần ứng dụng công nghệ quản lý nước thông minh để giảm tối đa chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả vận hành, tạo thuận lợi tốt nhất cho trên 295.000 khách hàng sử dụng nước trên địa bàn.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, sản phẩm mới được ngành xây dựng thành phố chú trọng và chủ động triển khai. Trong đó, mô hình hóa thông tin công trình BIM (Building Information Modeling - hồ sơ thiết kế gồm những tập tin hay dữ liệu kỹ thuật số chứa các mối liên hệ logic về mặt không gian, kích thước, số lượng, vật liệu của từng bộ phận trong công trình) được nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng.
Ông Lê Tùng Lâm cho hay, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng BIM, bao gồm hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kỹ thuật liên quan để từ năm 2020 sẽ triển khai áp dụng thí điểm 20 công trình xây dựng mới cấp 1 trở lên thuộc dự án xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác trên cơ sở tự nguyện.
Năm 2021, đơn vị sẽ tổng kết, đánh giá việc thí điểm trên và hoàn thành các bước để áp dụng rộng rãi trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Mô hình BIM cũng được UBND thành phố đồng ý cho triển khai và hiện tại có thêm Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên thực hiện. Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, ứng dụng BIM giúp tiết kiệm ít nhất 30% chi phí về vật liệu xây dựng và thời gian thi công; đồng thời tạo được sự minh bạch trong công tác quản lý chất lượng cũng như vận hành công trình. BIM cũng là giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành xây dựng.
Về ứng dụng vật liệu mới, tại thành phố hầu hết các công trình xây dựng công nghiệp đều sử dụng vật liệu xây không nung. Hàng loạt sản phẩm vật liệu xây dựng mới được đưa ra thị trường và liên tục áp dụng trong tất các các công trình xây dựng, dự án đầu tư. Riêng sản phẩm bê-tông nhẹ được nhiều doanh nghiệp ở thành phố đầu tư sản xuất, trong đó Công ty CP Bê-tông nhẹ Đà Nẵng là đơn vị liên tục có nhiều sản phẩm mới đối với gạch block, gạch tự chèn E-Brick được sử dụng ở nhiều công trình, dự án khu đô thị trong cả nước.
Các doanh nghiệp xây dựng ở thành phố đã làm chủ nhiều công nghệ trong thiết kế, thi công nhà cao tầng, các công trình giao thông... Nhiều nghiên cứu ứng dụng KHCN đã được thực hiện trong các lĩnh vực nền móng, trắc địa công trình; gia cố nền đất yếu, cọc, hố đào; công trình ngầm, độ nghiêng nhà siêu cao tầng; công nghệ thi công kết cấu nhịp lớn;phòng chống cháy, động đất, gió bão cho nhà và công trình; công nghệ thi công bê-tông mặt đường, bê-tông khí, bê-tông đầm lăn...
Các kết quả trong lĩnh vực công nghệ xây dựng đã trực tiếp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các công trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: năng lượng, nhà ở, đô thị, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Thời gian gần đây, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong xây dựng diễn ra sôi động và ngày càng trở thành tiền đề tất yếu, sống còn để các doanh nghiệp có thể tồn tại, duy trì được năng lực cạnh tranh trong dài hạn”, ông Lê Tùng Lâm đưa ra nhận định.
TRIỆU TÙNG