Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt năm 2016 gồm 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2 mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe, dự kiến khai thác toàn tuyến vào ngày 31-12-2020.
Các đơn vị thi công đang nỗ lực để đưa hầm Hải Vân 2 về đích trước tiến độ. TRONG ẢNH: Các công nhân, kỹ sư công trình lắp dựng trụ VPS khu vực hầm phía bắc Hải Vân. Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo ông Phạm Thanh Hà, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án hầm đường bộ Hải Vân, tất cả các gói thầu như thi công hầm; cầu và đường dẫn; cơ điện... hiện đã hoàn thành từ 90-95% khối lượng công việc. Do đó, khả năng cuối tháng 9-2020, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành, vượt kế hoạch 4 tháng. Hầm Hải Vân 2 được thiết kế hai ống hầm rộng 9,7m cho phương tiện chạy một chiều, trong mỗi ống bảo đảm 2 làn xe rộng 7m, đường bộ hành và bảo dưỡng rộng 1m, hai dải an toàn 1,5m...
Ngoài ra, dự án còn có các hạng mục trung tâm cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, trạm thu phí; trạm dừng đỗ kỹ thuật. Hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất cả nước, trong đó, đường dẫn phía bắc dài khoảng 1,7km, trong hầm dài 6,2km, đường dẫn phía nam 4km.
Như vậy, thời gian không còn lâu nữa, Hầm Hải Vân 2 sẽ được đưa vào sử dụng, lúc này ống hầm Hải Vân 1 sẽ thành lưu thông một chiều. Dự án góp phần đẩy mạnh năng lực giao thông qua thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Qua đó, xóa điểm nghẽn lưu thông trên tuyến đường huyết mạch quốc gia, giúp giảm kinh phí vận hành, duy tu hầm Hải Vân. Theo đánh giá của đơn vị thi công, nhìn thì đơn giản vậy, song để có được thành quả của ngày hôm nay, các cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường phải mất đến 32 tháng thi công với gần 600.000m3 khối đá được vận chuyển ra ngoài, hơn 6,2 km đường hầm được đục thông và ngày về đích đang đến rất gần.
Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Lê Tấn Bằng, Ban Điều hành đơn vị thi công hệ thống cơ điện, hệ thống giao thông thông minh tại hầm Hải Vân 2 (ITS) cho biết, đối với các hạng mục của Ban Điều hành, đa phần các thiết bị được đặt hàng từ các nước châu Âu, các nước G7, trong đó một số nước đang là điểm nóng của Covid-19. Các quốc gia này đang thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, nhân công tại các nhà máy thiếu hụt nên đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của đối tác, sản phẩm đến chậm hơn thời gian ghi trong hợp đồng.
Để giải quyết các khó khăn trên, nhà đầu tư cùng các bên đã tính toán để điều chỉnh kế hoạch thi công cho phù hợp, các thiết bị đã tập kết công trường được lắp đặt thi công ngay; đồng thời thực hiện trao đổi với các chuyên gia nước ngoài bằng hệ thống trực tuyến để xử lý công việc. Tập thể kỹ sư, công nhân của Ban Điều hành từng bước khắc phục khó khăn, đến nay, tiến độ các gói cơ điện (hệ thống điện, điều khiển giao thông thông minh, phòng cháy chữa cháy) thi công được hơn 70% khối lượng.
Đơn vị thi công đang gấp rút để công trình hoàn thành trước tiến độ. TRONG ẢNH: Các kỹ sư kiểm tra vị trí lắp đặt quạt thông gió. Ảnh: THÀNH LÂN |
Sau gần 4 năm triển khai thi công, dự án mở rộng hầm Hải Vân 2 do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện cũng đang giai đoạn tăng tốc về đích. Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đặt mục tiêu, tháng 9-2020 sẽ đưa công trình vào khai thác, do vậy, tất cả các đơn vị thi công, lắp đặt thiết bị đang nỗ lực ngày đêm để đưa công trình vượt kế hoạch đề ra.
Theo ông Phan Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, hiện việc thi công phần xây dựng hầm (đào và gia cố, bê-tông vỏ hầm, bê-tông mặt đường, nền đường, đường bảo dưỡng) cơ bản đã hoàn thành. Phần cầu và đường dẫn đang trong quá trình công tác thảm bê-tông nhựa, hệ thống thoát nước, gia cố mái ta-luy, hệ thống an toàn giao thông; khối lượng công việc phần cầu đường dẫn đến nay đạt 91%, về cơ bản bảo đảm kế hoạch, tiến độ đề ra. Đối với các hạng mục công việc còn lại như: hệ thống thiết bị cơ điện, phòng cháy chữa cháy, hiện nhà thầu đã tập kết hơn 90% khối lượng về công trường.
“Ban lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu sẽ đưa công trình vào khai thác sớm để góp phần giảm tải cho hầm Hải Vân 1, nâng cao năng lực vận hành, xóa “điểm nghẽn” lưu thông trên tuyến đường huyết mạch quốc gia cũng như kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, phát triển liên kết vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung với cả nước. Tất cả các đơn vị tham gia thực hiện dự án đều đang nỗ lực ngày đêm để đưa công trình về đích bảo đảm tiến độ”, ông Phan Văn Thắng nói.
THÀNH LÂN