Từ thời điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lần đầu được công bố vào năm 2006, Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương đi đầu trong việc nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, vị trí của Đà Nẵng trên bảng xếp hạng toàn quốc đã có sự sụt giảm. Chính vì vậy, thành phố đã đề ra một số giải pháp để cải thiện PCI trong năm 2020 và các năm tiếp theo, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư sau Covid-19.
Với định hướng phát triển bền vững, thành phố vẫn đang tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng và duy trì được sức hút với các nhà đầu tư. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Cải thiện các chỉ số thành phần
Năm 2019, Đà Nẵng đứng vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng PCI cả nước với 70,15/100 điểm, đứng đầu khu vực duyên hải miền Trung và các thành phố trực thuộc Trung ương. Vị trí xếp hạng của Đà Nẵng giữ nguyên so với năm 2018, song điểm số PCI đã tăng thêm 2,5 điểm, quay trở lại nhóm “Rất tốt”. Một số chỉ số đã được cải thiện đáng kể so với năm 2018 như “Tính năng động” và “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”; một số chỉ số được cải thiện và tăng điểm so với năm 2018, nhưng vẫn giảm bậc trên bảng xếp hạng và chưa được đánh giá cao như “Tính minh bạch”, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” và “Cạnh tranh bình đẳng”. Ngoài ra, còn có 2 chỉ số giảm điểm và giảm bậc là “Gia nhập thị trường” và “Chi phí thời gian”.
Trước thực tế này, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 5267/UBND-SKHĐT ngày 10-8-2020 về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao PCI năm 2020 và các năm tiếp theo.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; công khai, minh bạch thông tin về thủ tục hành chính, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, các cơ chế ưu đãi...; thường xuyên trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp; phối hợp xử lý và vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, pháp luật để giải quyết nhanh các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Ở mỗi chỉ số thấp điểm, giảm điểm hay tăng điểm nhưng vẫn tụt hạng, lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành để cải thiện.
Với định hướng phát triển bền vững, thành phố vẫn đang tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng và duy trì được sức hút với các nhà đầu tư. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng) Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Cụ thể, đối với chỉ số “Gia nhập thị trường”, UBND thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh đăng ký kinh doanh trực tuyến và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký doanh nghiệp; đưa vào sử dụng hiệu quả Phần mềm quản lý, giám sát đầu tư; phát huy hiệu quả và tính chủ động của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với chỉ số “Tiếp cận đất đai”, Sở Tài nguyên và Môi trường cần công khai danh mục thu hồi đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt; tham mưu UBND thành phố tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư dự án.
Đối với chỉ số “Tính minh bạch”, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và đơn vị thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin, trả lời cho công dân, doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và quy chế của UBND thành phố. Đặc biệt, Thanh tra thành phố công khai kế hoạch thanh kiểm tra và danh sách các đối tượng bị thanh kiểm tra theo kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các cán bộ lợi dụng việc thanh kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp...
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố, 2 yếu tố được nhiều doanh nghiệp quan tâm là “Tính minh bạch” và “Cạnh tranh bình đẳng”.
Chỉ số “Tính minh bạch” vốn là thành phần thế mạnh của Đà Nẵng, song trong thời gian gần đây lại có sự sụt giảm về thứ hạng. Để cải thiện và lấy lại vị trí dẫn đầu, trong thời gian đến, thành phố cần công khai và minh bạch hơn nữa các tài liệu liên quan đến ngân sách, các thông tin mời thầu... Bên cạnh đó, phản hồi kịp thời khi có những yêu cầu hoặc đề nghị từ phía doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ.
Đối với chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”, các doanh nghiệp cho rằng, cần cải thiện mạnh mẽ các vấn đề liên quan đến việc phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp dân doanh với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn..., đặc biệt là trong việc thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các khoản vay, tiếp nhận và giải quyết các khó khăn. Bên cạnh đó, cần tránh sự ưu ái, thiên vị đối với các loại hình doanh nghiệp này so với các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn.
Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang cho rằng, để tiếp tục cải thiện bền vững PCI trong những năm tới, thành phố cần nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian giữa ban hành và thực thi chính sách; tiếp tục đẩy mạnh quá trình công khai, minh bạch các chính sách, chủ trương, nguồn lực phát triển, cơ hội tiếp cận thị trường đầu tư cho doanh nghiệp. Song song với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư; ứng dụng rộng rãi hơn, triển khai hiệu quả hơn thủ tục hành chính công trực tuyến; tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp trong kinh doanh, đầu tư theo quy luật thị trường và pháp luật.
Sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Phước Sơn cho biết, cùng với các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thành phố cũng đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón làn sóng chuyển hướng đầu tư sau Covid-19. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án quy mô lớn, chậm triển khai, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư và khởi công dự án.
Đồ họa: Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố |
Đồng thời, sở sẽ chủ động, khẩn trương báo cáo UBND thành phố và các bộ, ngành xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền. Trước mắt, hoàn tất các thủ tục để trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2020, dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới.
Từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động kinh tế - xã hội Đà Nẵng chịu nhiều thiệt hại từ Covid-19. Bên cạnh các giải pháp cải thiện PCI, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp tục triển khai chủ đề năm 2020 “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá về thành phố, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Đặc biệt, cần ưu tiên thu hút vào các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ thông tin, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới... Song song với đó, quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án mới, không cấp phép cho các dự án sử dụng hoặc đưa vào công nghệ và thiết bị lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đẩy nhanh công tác chuẩn bị hạ tầng, quỹ đất sạch.
Sở Xây dựng tập trung hoàn chỉnh Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với thiết kế Chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030. Trong đó, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố chủ trì xây dựng kịch bản khôi phục nền kinh tế thành phố trong năm 2020 và những năm tiếp theo, đánh giá tác động của Covid-19 đối với các ngành, lĩnh vực; xác định những thời cơ mới, động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.
Đánh giá của PCI cho thấy, Đà Nẵng trong năm 2019 có mức độ cải thiện ít hơn so với mức trung bình chung của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Song, với định hướng phát triển bền vững, thành phố vẫn đang tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng và duy trì được sức hút với các nhà đầu tư khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành và nỗ lực của thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, kịp thời giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thành lập và hoạt động. |
PHONG LAN