Tiềm năng phát triển điện mặt trời tại Đà Nẵng

.

Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư, hộ gia đình kêu gọi hợp tác đầu tư phát triển năng lượng điện mặt trời qua hình thức cho thuê mặt bằng mái nhà ở, mái nhà xưởng. Những không gian mặt trên công trình lâu nay để không, giờ trở thành tài nguyên đã và đang được khai thác.

Hộ gia đình anh Nguyễn Mỹ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để vừa sử dụng, vừa bán lại sản lượng điện dôi dư cho ngành điện lực.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Hộ gia đình anh Nguyễn Mỹ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để vừa sử dụng, vừa bán lại sản lượng điện dôi dư cho ngành điện lực. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Anh Nguyễn Mỹ (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, gia đình anh dù chỉ 3 nhân khẩu, nhưng nhu cầu sử dụng điện luôn tăng cao. Mỗi tháng gia đình chi phí tiền điện từ 1,7 - 2 triệu đồng. Anh Mỹ chia sẻ: “Qua tìm hiểu, tôi được biết lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) rất có lợi. Vì vừa có điện dùng, nếu dư bán lại cho ngành điện nên cũng có thu nhập thêm, lại còn làm mát sàn nhà không phải xây dựng vật liệu chống nóng. Tôi đang lắp đặt hệ thống này với tổng công suất là 5,6kWp. Vị trí lắp đặt pin năng lượng và hệ thống điện tận dụng tầng mái nhà ở trước đây vốn làm nơi trồng rau”.

Anh Võ Sơn (trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) cho hay, gia đình anh cũng sớm tiếp cận khai thác không gian tầng mái của nhà ở và lắp đặt hệ thống ĐMTMN để sử dụng và có thời điểm dư thừa bán lại cho điện lực qua ký kết hợp đồng. “Qua tính toán, thấy có lợi rất nhiều mặt cho nên tôi đã quyết định lắp đặt hệ thống điện mặt trời này vào tháng 11-2019, với tổng công suất là 10,5kWp, tổng chi phí là 165 triệu đồng. Việc đầu tư điện mặt trời áp mái đã mang lại những lợi ích thiết thực cho gia đình tôi như: giảm chi phí tiền điện hằng tháng, ngoài chi trả sản lượng điện tiêu dùng cho ngành điện, số sản lượng điện còn dư thừa từ hệ thống điện mặt trời tôi bán lại cho ngành điện…

Theo giá điện hiện nay, tôi ước tính thời gian từ 4 đến 5 năm là tôi thu hồi vốn. Thực tế nhất là khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà này đã bảo vệ, làm mát giải nhiệt sàn nhà rất nhiều so với trước đây, mùa hè các năm trước đây cả tầng lầu phía trên quá nóng, bây giờ thấy dễ chịu hơn rất nhiều”, anh Võ Sơn nói.

Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), tính đến tháng 7-2020 đã có trên 1.200 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt trên 10.363kWp, tổng sản lượng phát ngược lên lưới hơn 1,7 triệu kWp… PC Đà Nẵng dự kiến, đến cuối năm 2020 sẽ có thêm nhiều khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN với tổng công suất gần 5.000kWp. Ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết: “Để khuyến khích khách hàng sử dụng ĐMTMN, ngành điện đã ban hành cơ chế chung.

Theo đó, khách hàng được lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều, cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt nếu hệ thống pin mặt trời đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đấu nối lưới điện hiện hữu theo quy định. Tiên phong cho việc khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo, tại trụ sở PC Đà Nẵng và 6 chi nhánh Điện lực trực thuộc đã hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào vận hệ thống ĐMTMN với công suất cụ thể tại trụ sở công ty 21,08kWp (vận hành từ tháng 10-2017); 6 chi nhánh điện lực mỗi đơn vị 25kWp vận hành từ cuối tháng 7-2019”.

Để thuận tiện cho khách hàng trong việc kiểm soát chỉ số điện tiêu thụ hằng ngày cũng như đánh giá hiệu quả điện mặt trời, PC Đà Nẵng đã xây dựng công cụ tra cứu thông tin sử dụng điện hằng ngày tại địa chỉ https://pcdn.cpc.vn/tracuu nên thuận tiện cho khách hàng. Không dừng lại ở việc phát triển ĐMTMN ở hộ gia đình, thời gian qua, PC Đà Nẵng đẩy mạnh vận động, khuyến khích khách hàng đầu tư hệ thống ĐMTMN, kịp thời thỏa thuận và tạo thuận lợi trong thủ tục đấu nối đồng hồ đo đếm hai chiều bán và mua điện với khách hàng là cơ quan, đơn vị. Từ khi có cơ chế khuyến khích, điển hình đã có các đơn vị đầu tư như: Công ty TNHH Bảo Thạch Lâm Solar với công suất 80kWp; Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ với công suất 189kWp; Công ty CP Nhựa Senko với công suất 118.8kWp.

Đánh giá tiềm năng năng lượng mặt trời, PC Đà Nẵng cho hay, thành phố Đà Nẵng có số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89kWh/m2/ngày. Qua đó, tiềm năng từ NLMT để sản xuất điện là 0,733kWh/m2/ngày. Như vậy, có thể thấy năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng có tiềm năng lớn, phù hợp với việc khai thác để phát triển trong thời điểm hiện nay và cả trong tương lai. PC Đà Nẵng cũng cung cấp thông tin đầy đủ về pin mặt trời và các nhà cung cấp trên website Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực miền Trung (https://cskh.cpc.vn) để khách hàng nắm rõ trước khi quyết định đầu tư như: công nghệ và kỹ thuật của quang điện, nguyên lý hoạt động hệ thống mặt trời mái nhà nối lưới, lợi ích khi đầu tư, thời gian thu hồi vốn....

Theo thống kê của PC Đà Nẵng, đầu tư hệ thống ĐMTMN tại thành phố đang phát triển mạnh. PC Đà Nẵng kiến nghị UBND thành phố có chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách, văn bản khuyến khích các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách Nhà nước, trường học, bệnh viện… chủ động xây dựng kế hoạch trang bị lắp đặt hệ thống ĐMTMN nối lưới tại đơn vị. Đồng thời, tổ chức lắp đặt, quảng bá và thông tin nhiều hơn về ĐMTMN để người dân biết đến nhiều hơn loại hình năng lượng sạch, giúp giảm áp lực cho lưới điện quốc gia và giảm áp lực cung cấp điện cho ngành điện, góp phần phát triển năng lượng và kinh tế bền vững.

TRIỆU TÙNG
 

;
;
.
.
.
.
.