Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

.

Giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau Covid-19, một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã được hỗ trợ để đổi mới công nghệ. Đây là một trong những chính sách đặc thù của Đà Nẵng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, tăng năng suất lao động và doanh thu cho doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ đã góp phần hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường. Ảnh: PHONG LAN
Việc hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ đã góp phần hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường. Ảnh: PHONG LAN

Đầu tháng 9, Công ty TNHH Châu Đà (Khu Công nghiệp Hòa Cầm) nhận được khoản kinh phí 400 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ của thành phố để hỗ trợ chi phí nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy sản xuất khẩu trang tự động.

Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, trước tình trạng thiếu khẩu trang y tế trên khắp cả nước, Công ty Châu Đà đã lên ý tưởng, thiết kế và thực hiện máy sản xuất khẩu trang tự động với tốc độ sản xuất lên đến 100 chiếc/phút. Ông Tô Tấn Trung Dũng, Giám đốc công ty cho hay, sau khoảng 3 tháng nghiên cứu, máy sản xuất khẩu trang y tế tự động của Công ty Châu Đà đã được chuyển giao cho một số đơn vị với giá thành 1,6 - 1,8 tỷ đồng mỗi chiếc.

Hiện công ty đã xây dựng được mạng lưới khách hàng ở hơn 40 thị trường trong và ngoài nước. Theo đánh giá của tổ thẩm định thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, việc chế tạo máy sản xuất khẩu trang của Công ty Châu Đà là quá trình nghiên cứu, giải mã công nghệ, từ đó thiết kế và chế tạo thiết bị công nghệ, đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ đổi mới công nghệ của thành phố.

Ông Tô Tấn Trung Dũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Công ty Châu Đà đã 3 lần nhận được hỗ trợ đổi mới công nghệ với tổng giá trị lên đến 1 tỷ đồng. “Năm 2013, Công ty Châu Đà thành lập và hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chuẩn hóa. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhận thấy nhu cầu về tự động hóa ngày càng lớn, đồng thời thành phố có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ nên chúng tôi bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu ngành cơ khí.

Năm 2016, công ty nhận được hỗ trợ của thành phố cho sản phẩm máy cắt plasma công nghệ cao và trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ. Năm 2019, chúng tôi tiếp tục nhận hỗ trợ cho sản phẩm dây chuyền thứ cấp tự động. Năm 2020, thành phố tiếp tục hỗ trợ cho sản phẩm máy sản xuất khẩu trang tự động”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, các hỗ trợ đổi mới công nghệ của thành phố mang ý nghĩa động viên lớn đối với doanh nghiệp, đồng thời giúp gia tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Cũng thời điểm đầu tháng 9, Công ty CP Điện Trường Giang (Khu Công nghiệp Hòa Khánh) được thành phố hỗ trợ 600 triệu đồng để mua thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ là máy cắt laser sợi quang AMADA 3015AJ sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản, có thể gia công với độ chính xác cao, kết nối nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất, giúp tiết kiệm nguyên liệu đầu vào và gấp đôi năng suất.

Ông Nguyễn Ngọc Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Điện Trường Giang cho biết, để được nhận hỗ trợ, công ty đã làm hồ sơ nêu rõ nội dung dự án, bao gồm sự cần thiết đầu tư thiết bị, mục tiêu dự án, tính khả thi của dự án, hiệu quả kinh tế xã hội và tiến độ thực hiện của dự án. Theo ông Thông, mục tiêu của công ty trong thời gian tới là sản xuất các thiết bị hoàn toàn “made in Việt Nam”, có thể thay thế sản phẩm của nước ngoài.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 28 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ theo Quyết định 36/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với tổng kinh phí hơn 4.400 tỷ đồng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, đã có 10 doanh nghiệp được hỗ trợ với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng. Trong số đó, phần lớn là các doanh nghiệp khoa học và công nghệ như Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Công ty TNHH Châu Đà, Công ty CP Công nghệ QCM...

Ngoài ra, thành phố cũng đã hỗ trợ Công ty CP Dược Dannapha (quận Thanh Khê) tiếp cận Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt hỗ trợ dự án “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất thuốc viên”.

Trong bối cảnh khó khăn chung do Covid-19, Sở Khoa học và Công nghệ đã theo dõi tình hình các doanh nghiệp, khảo sát và hướng dẫn một số doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ đổi mới công nghệ. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Văn Hoàng đánh giá, việc đổi mới công nghệ (nghiên cứu chế tạo công nghệ, đổi mới dây chuyền thiết bị sản xuất...) hoặc cải tiến quy trình quản lý doanh nghiệp theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn… Việc hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ đã góp phần giúp hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy, năm 2019, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Khu Công nghiệp Hòa Cầm) có doanh thu tăng 86%, Công ty TNHH Châu Đà tăng 35% so với năm 2018.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.