Tái định hình chính sách hỗ trợ, cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch

.

ĐNO - Sáng 28-11, hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển” đã diễn ra tại tỉnh Quảng Nam, hướng đến mục tiêu đề xuất giải pháp phục hồi và thống nhất hành động giữa các cấp, các ngành trong kế hoạch phát triển du lịch Việt Nam phù hợp với diễn biến của Covid-19.

Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 hướng đến mục tiêu đề xuất các giải pháp phục hồi du lịch hậu Covid-19. Ảnh: THU HÀ
Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 hướng đến mục tiêu đề xuất các giải pháp phục hồi du lịch hậu Covid-19. Ảnh: THU HÀ

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, ngành du lịch quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa an toàn phòng, chống dịch vừa phát triển du lịch an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam thời gian qua không ngừng nâng cao, tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP của đất nước ngày càng lớn, từ 8,3% năm 2018 lên 9,2% năm 2019.  Tuy nhiên, do tác động của Covid-19, du lịch là ngành chịu tổn thất nặng nề, tác động sâu rộng tới các ngành liên quan. Năm 2020, dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm hơn 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, thiệt hại về kinh tế du lịch lên tới 23 tỷ USD.

Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng ngành du lịch quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa an toàn phòng chống dịch vừa phát triển du lịch an toàn, hiệu quả. Ảnh: THU HÀ
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng ngành du lịch quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa an toàn phòng, chống dịch vừa phát triển du lịch an toàn, hiệu quả. Ảnh: THU HÀ

Báo cáo đánh giá tình hình du lịch Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, kết quả phát triển vượt bậc của du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ 22,7%/năm.

Khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015).

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, vấn đề hiện nay của ngành du lịch là nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh các nội dung như cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhắm vào thị trường chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, cơ cấu thị trường theo phân đoạn nhu cầu.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; chuyển đổi số trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất giải pháp chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau Covid-19; đề xuất tái định hình chính sách hỗ trợ và cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch; gợi ý xu hướng chuyển đổi số để phát triển trong trạng thái “bình thường mới”; đề xuất mô hình và kinh nghiệm hợp tác, liên kết giữa các nhà đầu tư về quảng bá, xúc tiến.

Tại hội nghị, đại diện thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã ký kết hợp tác liên kết phát triển.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.