Tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện đang diễn ra tình trạng thiếu hụt công nhân, nhất là người có tay nghề cao nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới, mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, từ nay đến năm 2021, nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp sẽ tăng mạnh. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại nhà xưởng thuộc Công ty CP Hiffil, Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Để đạt được mục tiêu tuyển dụng đủ 1.000 lao động vào năm 2021, bà Nguyễn Thị Thu Sương, phụ trách đào tạo Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ) cho biết, ngay từ thời điểm này, ngoài việc tuyển dụng, đặt hàng đào tạo từ các trường đại học, đào tạo nghề trên địa bàn thành phố, công ty đã tích cực liên hệ với các công ty môi giới lao động để tìm đủ nguồn nhân lực theo đúng yêu cầu đặt ra.
Theo bà Sương, ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỷ luật lao động là yếu tố được quan tâm hàng đầu. “Chúng tôi luôn xác định việc đào tạo lại sau tuyển dụng là điều đương nhiên để người lao động có thể đáp ứng được yêu cầu công việc nên đây không phải là vấn đề quá lớn đối với công ty. Điều chúng tôi đánh giá cao và cần ở người lao động là tác phong làm việc chuyên nghiệp cũng như cam kết gắn bó lâu dài với đơn vị”, bà Sương nói.
Ông Vương Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ điện tự động Biển Đông (ESTEC) cho rằng, chất lượng nguồn lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được nâng cao, nhưng nguồn cung chưa thực sự dồi dào. “Hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi cơ bản có đủ nguồn nhân lực để duy trì mùa sản xuất cuối năm, nhưng trong vài tháng tới, khi bước sang năm 2021, nếu tình hình dịch bệnh được giải quyết tốt hơn thì nhu cầu tuyển dụng của công ty sẽ tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi đã và đang kết hợp chặt chẽ với một số trường đại học, cao đẳng nhằm tìm kiếm nhân lực phù hợp”, ông Hoàng cho hay.
Theo đánh giá từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng về thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hiện nay có đến 86% doanh nghiệp Đà Nẵng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở cấp giám đốc điều hành, cao hơn so với bình quân cả nước 3%; 75% doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở vị trí quản lý, giám sát (cao hơn cả nước 3%); 32% doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng công nhân, lao động phổ thông (cao hơn cả nước 7%)... Không những vậy, chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động của các doanh nghiệp có xu hướng tăng qua các năm.
Riêng tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố, số liệu thống kê của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố cho thấy, tính đến thời điểm này, tổng số lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng hơn 72.000 người; tỷ lệ lao động có trình độ phổ thông 70,17%, lao động trình độ đại học 9,5%, lao động có trình độ trung cấp 6,01%, cao đẳng 6,48%. Qua đó, có thể thấy phần lớn lao động tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng là lao động phổ thông. Đa số lao động có chuyên môn kỹ thuật khi được tuyển dụng đều phải trải qua các khóa đào tạo lại, bổ sung kỹ năng mới.
Ngoài nhu cầu tuyển dụng lao động khi bước vào năm 2021, trong thời gian tới, khi thành phố hình thành 9 khu công nghiệp (gồm 6 khu công nghiệp đã có và 3 khu công nghiệp mới đang hình thành) cũng như định hướng ưu tiên thu hút các dự án đón đầu công nghiệp 4.0 như công nghiệp công nghệ thông tin, kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học… thì nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, được trang bị các kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ sẽ gia tăng.
Để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 45-CTr/TU ngày 25-2-2020 thực hiện chuyên đề “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”. Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, trước mắt đơn vị tích cực liên hệ, phối hợp, kết nối với các nhà trường và doanh nghiệp để có các buổi trao đổi, chương trình gặp gỡ với sinh viên nhằm làm rõ cung - cầu nguồn nhân lực.
Về lâu dài, để bảo đảm phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp trong thời gian đến, thành phố thực hiện một số giải pháp như: đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động; phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo phát triển nhân lực. Các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề cần đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Các ngành nghề đào tạo phải gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các trường cao đẳng và dạy nghề với các trung tâm giới thiệu việc làm nhằm tìm kiếm nguồn cung lao động có kỹ thuật, lao động đã qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược đào tạo, thu hút lao động riêng thông qua chế độ lương, thưởng, phụ cấp, đãi ngộ phù hợp và thỏa đáng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động. Bên cạnh đó, người lao động cần chủ động học tập, rèn luyện chuyên môn, hình thành tác phong công nghiệp để có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng cần thiết cho công việc, đáp ứng theo yêu cầu mới ngày càng cao.
KHÁNH HÒA