Tăng cường phối hợp phát triển du lịch với cơ sở

.

Sau thời gian thí điểm thực hiện, việc phân cấp, ủy quyền trong quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực du lịch, giúp các địa phương khai thác các tiềm năng phát triển du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Sở Du lịch và các địa phương trên địa bàn thành phố tổ chức ký kết phối hợp để thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch.          		           Ảnh: NHẬT HẠ
Sở Du lịch và các địa phương trên địa bàn thành phố tổ chức ký kết phối hợp để thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch. Ảnh: NHẬT HẠ

Việc phân cấp, ủy quyền trong quản lý Nhà nước về điểm du lịch cho quận, huyện được ngành du lịch thành phố thực hiện thí điểm từ năm 2018 với mong muốn tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác, quản lý Nhà nước, phát huy các nguồn lực trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố, tạo môi trường cho hoạt động du lịch phát triển lành mạnh. Đồng thời, nâng cao vai trò và trách nhiệm của quận, huyện trong việc giữ gìn môi trường, văn minh du lịch, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú.

Để việc phối hợp đạt được hiệu quả, mới đây Sở Du lịch thành phố và đại diện các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã ký kết chương trình phối hợp về công tác quản lý Nhà nước và phát triển du lịch đến năm 2025. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp trên tinh thần tương hỗ, giúp nhau cùng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về du lịch và tư vấn triển khai phát triển du lịch địa phương, đạt hiệu quả thiết thực, hướng đến phát triển du lịch bền vững trên địa bàn. Trên cơ sở định hướng chung đó, hai bên trao đổi, cung cấp thông tin về công tác quản lý Nhà nước, kế hoạch phát triển du lịch với các nội dung phù hợp, kịp thời, cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.

Là một trong những địa phương làm rất tốt công tác phân cấp ủy quyền quản lý du lịch, ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho rằng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành. Phát triển du lịch của Sơn Trà cũng là phát triển du lịch của thành phố. Vì thế để phát triển thì cần có sự chung tay của tất cả các ngành, các địa phương để tạo ra các sản phẩm du lịch.

“Do đó, trong công tác quy hoạch, xây dựng với các khu đất trống các địa phương thay vì chỉ là công viên đơn thuần có thể hình thành các công viên chủ đề vừa có thể trưng bày, vừa có thêm các hoạt động tại công viên đó, tạo thành một điểm đến, điểm dừng chân cho du khách”, ông Hoàng Sơn Trà gợi ý.

Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa cho rằng, hiện nay cơ sở hạ tầng về du lịch của Đà Nẵng khá tốt, bảo đảm để phục vụ du khách. Điều cần thiết nhất hiện nay trong công tác phối hợp là cần quan tâm đến vấn đề môi trường du lịch. Nếu môi trường du lịch được bảo đảm tốt, an toàn thì du khách sẽ tới. Ngoài ra, trên địa bàn quận cũng như thành phố có rất nhiều các cơ sở, loại hình lưu trú đủ các hạng sao... rất khó trong việc quản lý khách. Do vậy, nếu được nên có phần mềm quản lý khách từ lúc khách nhập cảnh vào Đà Nẵng thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong công tác quản lý.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu mong muốn việc phối hợp giữa Sở Du lịch và các địa phương sẽ cụ thể, chặt chẽ hơn, có những chương trình làm việc cụ thể để giải quyết các vướng mắc trong công tác phục vụ du khách trong thời gian đến. Đồng thời cho hay, địa phương cũng có nhiều đề án, kế hoạch liên quan đến phát triển du lịch của thành phố như chương trình 3 hơn “sạch đẹp hơn, an toàn hơn, văn minh lịch sự hơn”. Đây cũng được xem là một cuộc vận động để phục vụ cho hoạt động du lịch của thành phố. Địa phương cũng xác định rõ điểm yếu và điểm mạnh của mình để từ đó có hướng đi cụ thể, chẳng hạn như phát triển lễ hội Đình làng Hải Châu thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh ở quy mô nhỏ, kết hợp với một số loại hình múa rối...

Ông Thạnh cũng đề xuất sở nên quan tâm đến việc phát triển cảnh sát du lịch (đội hỗ trợ du lịch) để hỗ trợ tốt nhất cho du khách; các địa phương cũng nên phối hợp, kết nối để khai thác được hết các tài nguyên của mỗi địa phương...

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, trong 5 năm đến, thành phố đặt mục tiêu tiếp tục phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, khả năng cạnh tranh với các nước; tập trung vào du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế ban đêm trong lĩnh vực du lịch; xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch, trung tâm dịch vụ hàng đầu tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 đón 12-13 triệu lượt khách, tăng 1,4 lần so với 2019; trong đó, có 4,2 triệu lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2021-2025 ước đạt 12-12,5%/năm. Do đó, việc phối hợp, hợp tác giữa sở và các địa phương rất cần thiết để phát triển du lịch của thành phố.

Sở và các địa phương sẽ hợp tác chủ yếu trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch như bảo đảm môi trường du lịch, quản lý loại hình du lịch tự phát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm bán hàng rong, chèo kéo gây phiền hà cho du khách; xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi nâng giá, chèn ép khách du lịch... tại các khu điểm du lịch, các tuyến đường du lịch trên địa bàn. Đối với các cơ sở lưu trú, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, tăng cường hậu kiểm, giám sát các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở lưu trú khác có phòng phục vụ khách du lịch, bảo đảm các điều kiện hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
Liên kết hữu ích