Phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, tập trung vào chất lượng, hiệu quả, song hành với phát triển du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phát huy thế mạnh của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; hỗ trợ du lịch trong truyền thông, quảng bá sản phẩm… là những mục tiêu mà ngành du lịch thành phố hướng tới trong những năm đến.
Năm 2021, Đà Nẵng tạo nhiều sự kiện hấp dẫn để thu hút du khách. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Công viên Châu Á. Ảnh: P.V |
Phát triển du lịch bền vững
Tổ chức Du lịch thế giới dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2021 và có thể kéo dài đến năm 2023 mới phục hồi bằng với mức năm 2019. Dự báo trong thời gian đến, du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí vẫn là mục đích của đa số du khách. Du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ngày càng phổ biến…Với Đà Nẵng, thị trường khách nội địa được những người làm du lịch đánh giá sẽ sớm phục hồi vì đây vẫn là điểm đến có sức hút đối với du khách và là điểm đến lý tưởng của du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch công vụ, du lịch M.IC.E.
Giám đốc Điều hành Quỹ Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Như Nam cho biết, sau 2 đợt dịch bệnh xảy ra, Quỹ Xúc tiến du lịch Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát trực tuyến tác động của Covid-19 tới các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy giải pháp cốt lõi giúp doanh nghiệp kinh doanh du lịch duy trì và tiếp tục hoạt động trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh được kiểm soát trên thế giới. Ông Nam cho rằng, du khách quan tâm hàng đầu là sức khỏe và an toàn, sau đó là các điểm đến gần và những chuyến đi ngắn ngày. Vì vậy, ngành du lịch thành phố cần tập trung phát triển thị trường khách nội địa, tăng cường truyền thông điểm đến, thu hút nguồn khách tại chỗ từ đó lan tỏa ra rộng hơn các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, cũng luôn phải sẵn sàng để đón đầu các thị trường khách quốc tế khi mở cửa trở lại.
Mới đây, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 với định hướng phát triển du lịch bền vững theo 5 định hướng trọng tâm gồm: quy hoạch định hướng phát triển; định hướng thị trường; định hướng sản phẩm du lịch; định hướng về môi trường du lịch và định hướng về chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực. Theo đó, để phát triển du lịch bền vững hơn, trong giai đoạn tới đây, thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ du lịch và hình thành các sản phẩm du lịch dịch vụ như nâng cấp cơ sở vật chất tại cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng và cảng Tiên Sa nhằm phục vụ khách du lịch chu đáo, chuyên nghiệp, hiện đại hơn; kêu gọi đầu tư đường thủy nội địa... Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; tăng cường nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch; đầu tư sản phẩm du lịch, chú trọng kinh tế ban đêm, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực cao cấp, nâng cấp các sản phẩm hiện có, đầu tư thêm các sản phẩm du lịch mới… Ngành du lịch thành phố tiếp tục mở rộng quy mô ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động quản lý, khai thác, xúc tiến quảng bá để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động kinh doanh và phát triển…
Đại diện ngành du lịch cùng các doanh nghiệp du lịch khảo sát phố đi bộ An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp trong thời gian đến. Ảnh: NHẬT HẠ |
Du lịch phải an toàn
Theo định hướng phát triển ngành du lịch thời gian tới, yếu tố an toàn là tiêu chí hàng đầu mà ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Đà Nẵng nói riêng đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Chủ tịch Hội lữ hành Đà Nẵng Đoàn Hải Đăng nhìn nhận, sau một thời gian dài im ắng, các doanh nghiệp du lịch đã tìm tòi, sáng tạo thêm các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách. Với tiêu chí an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, thực hiện đúng nguyên tắc “5K” của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị lữ hành cần xây dựng bộ sản phẩm du lịch cho Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung trong năm 2021. Nếu vắc-xin phòng, chống Covid-19 được triển khai rộng rãi thì du lịch sẽ có sự phục hồi trong năm tới dù sự phục hồi này sẽ chưa mạnh vì khách du lịch chủ yếu vẫn chỉ là thị trường nội địa. Tuy nhiên, ông Đoàn Hải Đăng cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần chuẩn bị sẵn các sản phẩm du lịch quốc tế đến và quốc tế đi.
Trong đó, nên xây dựng sản phẩm quốc tế đến cho thị trường khách Đông Nam Á, Đông Bắc Á… để khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại thì có sẵn các sản phẩm dịch vụ để đón khách.
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh chia sẻ, trong các hoạt động đón khách trở lại, tiêu chí an toàn luôn được Đà Nẵng đặt lên hàng đầu. Ngành du lịch thành phố đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố. “Qua hai đợt bùng phát dịch, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố, Sở Du lịch đã tiến hành 4 đợt kiểm tra, đi thực tế công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị lữ hành, khách sạn, khu, điểm du lịch, vận chuyển du lịch với trên 120 lượt kiểm tra. Qua đó, đã phát hiện, xử phạt 1 khách sạn 10 triệu đồng do vi phạm các quy định về phòng, chống Covid-19. Hiện sở đang tiếp tục triển khai công tác kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố”, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết.
Những người làm du lịch cũng ý thức được vấn đề an toàn trong phát triển du lịch. Do đó, tại các khu, điểm du lịch lớn trên địa bàn thành phố như Khu du lịch Sun World Ba Na Hills, Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, các bảo tàng trên địa bàn thành phố, các cơ sở lưu trú mở cửa đón khách… đều trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang cho du khách ở cổng ra vào, bảo đảm an toàn cho cả du khách và người lao động. Các cơ sở lưu trú còn hỗ trợ khách trong việc khai báo y tế khi nhận phòng khách sạn… Ông Nguyễn Thanh Lâu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiên Long Anh (quận Thanh Khê) cho hay, trên tất cả các chuyến xe đón khách của công ty đều có trang bị khẩu trang và nước sát khuẩn để phục vụ du khách. Khi khách lên xe, hướng dẫn viên đều nhắc nhở khách thực hiện các quy định để bảo đảm an toàn cho mình và mọi người.
Ông Steve Wolstenholme, Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana (Nam Hội An) đánh giá thời gian qua Việt Nam rất nỗ lực để trở thành “thiên đường an toàn”. Ông cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã làm tốt việc kiểm soát Covid-19 và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông quảng bá du lịch của Việt Nam đến với các bạn bè thế giới. Cũng xác định rõ phải an toàn thì mới có thể phát triển du lịch nên tháng 10-2020, Tổng cục Du lịch đã ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Đây là ứng dụng được tích hợp các tính năng nhằm giúp du khách có thể yên tâm du lịch tại Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng; trong đó có bản đồ số giúp du khách tìm hiểu các đơn vị đã đăng ký tiêu chuẩn an toàn với cơ quan quản lý Nhà nước như khách sạn, nhà hàng, căn hộ du lịch, các khu vui chơi, dịch vụ vận tải, bệnh viện, nhà thuốc. Đặc biệt, khách du lịch có thể tìm hiểu thông tin dịch bệnh được cung cấp từ trang thông tin của Bộ Y tế, số liệu được cập nhật và công bố theo đúng thực tế, xem chi tiết số người nhiễm bệnh, độ tuổi bệnh nhân, số người khỏi bệnh… Thông qua ứng dụng, khách du lịch có thể đăng ký tham gia các chương trình du lịch an toàn theo từng bộ tiêu chí được cơ quan Nhà nước ban hành.
NHẬT HẠ