Nhờ nỗ lực xúc tiến thị trường, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, cải thiện môi trường thông thoáng, tình hình thu hút đầu tư của thành phố trong 3 tháng đầu năm 2021 tiếp tục khởi sắc.
Hoạt động sản xuất ở Nhà máy ươm tạo công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. ĐỒ HỌA: Kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố tính đến ngày 15-3. Ảnh: THÀNH LÂN - Đồ họa: MAI ANH |
Nhiều dự án lớn đầu tư vào Đà Nẵng
Trong 3 tháng đầu năm, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 2 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn 320,422 tỷ đồng; 3 dự án đầu tư trong nước trong các KCN, Khu Công nghệ cao (CNC) với tổng vốn 73,4 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thành phố cấp mới 9 dự án với tổng vốn đăng ký 146,410 triệu USD, có 5 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 9,372 triệu USD; đồng thời có 13 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần trong các tổ chức kinh tế với tổng vốn đăng ký mua 1,652 triệu USD.
Lũy kế đến ngày 15-3, thành phố có 895 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3,862 tỷ USD. Trong 3 tháng qua, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 776 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 6.017 tỷ đồng; tăng 23,2% về số vốn so với cùng kỳ 2020. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 32.552 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 221.314 tỷ đồng.
Một điểm nhấn khá quan trọng là trong tháng 2, thành phố đã tổ chức thành công buổi lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án. 6 dự án này đều đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp. Trong đó có 3 dự án FDI, gồm: dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Hoa Kỳ, vốn đầu tư 110 triệu USD; dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản, vốn đầu tư 35 triệu USD vào Khu CNC; dự án EPE Packaging Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản), đầu tư vào KCN Hòa Khánh mở rộng, vốn đầu tư 300.000 USD...
Bên cạnh đó, thành phố cũng trao chủ trương nghiên cứu đầu tư cho công ty Arevo Inc. (Hoa Kỳ) để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD vào Khu CNC. Đáng lưu ý, trong 6 dự án Đà Nẵng đã thu hút đầu tư trên, có 3 dự án đến từ thị trường trọng điểm mà Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư là Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Hoạt động sản xuất ở Nhà máy ươm tạo công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN |
Hướng đến thị trường trọng điểm
Theo Thạc sĩ Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Kỹ Việt, việc thành phố Đà Nẵng công bố nghị định, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố như: Nghị định triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố; quyết định chủ trương đầu tư dự án Bến cảng Liên Chiểu; chủ trương cho phép nghiên cứu, lập đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực; thông tin một số chủ trương về giá đất trên địa bàn thành phố... đã có tác động tích cực đến môi trường đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Điều này cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và quyết định đầu tư vào thành phố; đồng thời mở ra cơ hội lớn thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.
Cùng quan điểm này, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Hòa (quận Cẩm Lệ) Võ Thị Hoài Thương cho rằng, Ðà Nẵng có lợi thế về nguồn lực con người, giao thông, môi trường… đặc biệt mới đây (27-3), thành phố công bố các quyết định điều chỉnh bảng giá đất chu kỳ 2020-2024 theo hướng giảm. Theo đó, điều chỉnh tỷ lệ % giá đất thương mại - dịch vụ và sản xuất kinh doanh so với giá đất ở cùng vị trí. Cụ thể, giá đất thương mại - dịch vụ điều chỉnh từ 80% xuống 70% (giảm 10% so với hiện nay). Giá đất sản xuất kinh doanh điều chỉnh từ 60% giảm xuống còn 50% (giảm 10% so với hiện nay). Giá đất bãi giữ xe cũng được Đà Nẵng tính bằng 35% giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cùng vị trí.
Bên cạnh đó, thành phố điều chỉnh giảm tỷ lệ đơn giá thuê đất trả tiền hằng năm từ 2% xuống 1%. Tỷ lệ % áp dụng đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản điều chỉnh giảm từ 0,7% xuống 0,5%. Đây được xem là sự đồng hành cùng nhà đầu tư của lãnh đạo thành phố, góp phần tháo gỡ khó khăn chung do ảnh hưởng của Covid -19; mở ra cánh cửa kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng khác.
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố, những dự án trên góp phần khẳng định việc thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của thành phố bước đầu đúng hướng. Tuy nhiên, hiện nay, tác động tiêu cực của Covid-19 khiến các hoạt động ngoại giao, xúc tiến đầu tư, quảng bá giới thiệu, ký kết hợp tác... phải trì hoãn hoặc hủy bỏ.
Do đó, để khắc phục khó khăn và thực hiện kế hoạch được UBND thành phố thông qua, năm 2021, Đà Nẵng sẽ tổ chức 12 hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến hướng đến các thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… Thành phố tập trung thu hút các nhà đầu tư ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ (du lịch, giáo dục, logistics….) chất lượng cao...
Để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đầu năm nay, thành phố chỉ đạo về việc rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư. Theo đó, rút ngắn thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ 15 ngày còn 5-7 ngày làm việc.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, thời gian tới, sở tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, công khai, minh bạch. Đồng thời quản lý chặt chẽ hơn việc thu hút các dự án đầu tư mới theo đúng định hướng của thành phố. Sở sẽ tham mưu thành phố tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ và diễn đàn để nắm bắt và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. Mới đây nhất, thành phố đã thành lập 2 tổ công tác liên ngành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn…
Ngày 26-2-2021, Chủ tịch UBND thành phố đã ký Quyết định số 641/QĐ-UBND về việc điều chỉnh danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, có 57 dự án trọng điểm được Đà Nẵng tập trung thu hút trong giai đoạn này ở 9 lĩnh vực, trong đó có dự án với tổng vốn đầu dư dự kiến lên đến 54.500 tỷ đồng. |
THÀNH LÂN