Cho thuê mặt bằng gặp khó

.

Nhiều khách sạn, nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cửa đóng then cài, treo bảng chuyển nhượng hoặc cho thuê... là thực trạng đang diễn ra tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố do vắng bóng du khách trong thời gian dài.

Nhiều vị trí mặt bằng “đắc địa” bị bỏ trống, không có người thuê.  Trong ảnh: Một số cửa hàng dừng kinh doanh, trả mặt bằng trên tuyến đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: VĂN HOÀNG.
Nhiều vị trí mặt bằng “đắc địa” bị bỏ trống, không có người thuê. TRONG ẢNH: Một số cửa hàng dừng kinh doanh, trả mặt bằng trên tuyến đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Kinh doanh ế ẩm

Dọc một số tuyến đường và khu vực du lịch trọng điểm như: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hồ Nghinh, Trần Bạch Đằng, Lê Quang Đạo, khu phố du lịch An Thượng…, người đi đường dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều nhà hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh các dịch vụ spa, massage đóng cửa, dừng hoạt động. Thậm chí, nhiều nơi còn treo bảng “chuyển nhượng mặt bằng” do không kham nổi chi phí vận hành hay duy trì hoạt động vì vắng khách du lịch.

Anh Đặng Công, chủ một nhà hàng tại khu phố du lịch An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, trước đây, khu vực này tập trung đông khách quốc tế từ các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ… nên hoạt động kinh doanh luôn sầm uất, giá thuê mặt bằng cũng cao hơn một số khu vực khác. Hiện tại, tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khách quốc tế vẫn chưa đến Việt Nam, do đó việc kinh doanh bị ảnh hưởng.

Tương tự, chị Trần Thị Phương (kinh doanh dịch vụ spa, massage tại khu phố du lịch An Thượng) phải trả mặt bằng ngay khi kết thúc hợp đồng cho thuê. Theo chị Phương, khi Covid-19 chưa bùng phát, khách du lịch ghé đến cơ sở của chị rất đông nhưng từ khi dịch bệnh thì lượng khách quốc tế hầu như không có, lượng khách nội địa cũng giảm hẳn. Để duy trì hoạt động, cơ sở phải giảm lượng nhân viên và có thời gian phải tạm đóng cửa. Trung bình mỗi tháng, trừ các khoản chi phí, cơ sở của chị chịu lỗ hơn chục triệu đồng.

“Mặc dù chủ nhà giảm chi phí cho thuê nhưng tôi vẫn quyết định trả mặt bằng do tình hình kinh doanh còn khó khăn”, chị Phương cho hay.

Trong khi đó, chị Hoàng Thị Thùy (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bày tỏ, thời điểm trước, mỗi tháng chị có khoản thu nhập trên 30 triệu đồng từ việc cho thuê các mặt bằng kinh doanh. Đến nay, dù đã giảm giá khá sâu nhưng một số mặt bằng của chị Thùy vẫn không có người đến thuê.

Qua tìm hiểu, những năm trước, chuẩn bị cho mùa kinh doanh du lịch hè, để tìm mặt bằng đẹp kinh doanh là rất khó. Hiện tại, ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, người cho thuê mặt bằng nhiều, giá thuê cũng rẻ hơn nhưng thực tế giới có nhu cầu kinh doanh vẫn “án binh bất động”.

Thị trường cho thuê mặt bằng ảm đạm

Một số môi giới bất động sản cho biết, số lượng bất động sản cho thuê (mặt bằng kinh doanh, văn phòng, nhà ở…) tại Đà Nẵng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, mức giá cho thuê mặt bằng thời điểm này đã giảm khoảng 30%. Qua tìm kiếm tại các website chuyên về bất động sản cho thuê như: nha.chotot.com, batdongsan.com.vn, sansangnhuong.com…, dễ dàng tìm thấy hàng trăm mặt bằng cho thuê đẹp tại Đà Nẵng với các mức giá đa dạng, từ vài triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng tùy theo diện tích sàn sử dụng và vị trí.

Đơn cử, mặt bằng kinh doanh với diện tích 310m² (3 tầng) tại tuyến đường Nguyễn Văn Linh có giá thuê từ 40 triệu đồng/tháng, mặt bằng 2 tầng với diện tích 180m² trên tuyến đường Đống Đa có giá 40 triệu đồng/tháng, mặt bằng 75m² tuyến đường Võ Văn Kiệt được cho thuê với mức giá từ 25 triệu đồng/tháng trở lên, mặt bằng 125m² tại tuyến đường Hồ Nghinh có giá 10 triệu/tháng…

Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực môi giới bất động sản cho thuê, anh Nguyễn Đức Quang (trú quận Hải Châu) cho hay: “Với tâm lý lo ngại dịch bệnh còn bùng phát, nhiều người chưa dám đầu tư kinh doanh, nhất là mảng dịch vụ du lịch. Chính vì vậy, một số mặt bằng đẹp ở những vị trí đắc địa bị bỏ trống nhiều tháng nay dù giá thuê giảm đáng kể”.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại, Công ty Bất động sản Savills Việt Nam, Đà Nẵng vốn là thị trường phụ thuộc nhiều vào khách du lịch. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh và thiên tai đã gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, cho thuê mặt bằng, văn phòng và khách sạn tại đây.  Nhiều khách thuê do không có khả năng duy trì việc chi trả chi phí mặt bằng và vận hành trong thời gian dài, dẫn đến đóng cửa. Thậm chí, nhiều khách sạn, đặc biệt trong phân khúc 3 sao cũng phải rao bán.

Về phân khúc cho thuê văn phòng, bà Hoàng Nguyệt Minh cho rằng, nguồn cung tại thị trường Đà Nẵng không lớn, nhu cầu sử dụng của khách thuê vẫn cao nên giá thuê không có nhiều thay đổi. Đối với mảng cho thuê mặt bằng để kinh doanh dịch vụ du lịch, phải mất thêm một khoảng thời gian nữa, thị trường mới có thể lấy lại đà phục hồi, nhu cầu thuê mặt bằng cũng sẽ tăng lên.

“Để thu hút khách, giá thuê mặt bằng bán lẻ và văn phòng tại Đà Nẵng thời điểm này thấp hơn hẳn so với giai đoạn trước Covid-19, có những nơi giảm gần 40% giá thuê. Đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh ổn định và dòng tiền vững chắc tiếp tục tham gia hợp đồng thuê dài hạn tại thị trường này”, bà Minh phân tích.

Qua khảo sát của Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng, hiện nay, mới có khoảng 50% số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn hoạt động trở lại. Các khách sạn mở cửa chủ yếu là 4 sao và 5 sao, còn khách sạn dưới 3 sao phần lớn là đóng cửa; nhiều khách sạn rao bán. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các khách sạn mở cửa hoạt động trở lại, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng Hồ Nguyễn Phương Chi đề xuất chính quyền các cấp liên quan xem xét hỗ trợ giảm tiền điện, chuyển đổi từ giá điện kinh doanh sang điện sản xuất vì hiện nay ít khách sạn đạt được công suất phòng. Bên cạnh đó, cần tạo ra các sản phẩm du lịch mới, kích cầu để mang lại không khí sôi động cũng như tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích