Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Quỹ) đã phối hợp các sở, ban, ngành, các hội doanh nghiệp rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, lĩnh vực cho vay, bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2021-2025.
Việc Quỹ Đầu tư phát triển cho vay ưu đãi giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Quỹ chủ động đề xuất UBND thành phố giảm lãi suất cho vay, tăng cường hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội thành phố khi bước vào thời kỳ mới.
Mở rộng đối tượng và lĩnh vực cho vay, đầu tư
Ngày 12-4-2021, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 354/NQ-HĐND về việc thông qua danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025. Sau đó, ngày 7-5-2021, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1568/QĐ-UBND về danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ giai đoạn 2021-2025 (thay thế Quyết định số 5116/QĐ-UBND ngày 30-7-2014); đồng thời, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1734/QĐ-UBND ngày 20-5-2021 về mức lãi suất cho vay tối thiểu tại Quỹ (thay thế Quyết định số 4284/QĐ-UBND ngày 11-6-2015), mở ra cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố tiếp cận vay vốn đầu tư của Quỹ thời gian đến với nhiều ưu đãi và thuận lợi hơn.
Nếu như trước đây, các dự án vay vốn tại Quỹ đáp ứng điều kiện phải là dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trường hợp có đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị thì máy móc, thiết bị phải gắn với phần kết cấu xây lắp thì nay, các dự án vay vốn tại Quỹ không còn giới hạn trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, không bắt buộc phải có cấu phần xây dựng. Như vậy, các dự án như đầu tư mua sắm phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy hoặc mua sắm máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất… miễn là phù hợp với lĩnh vực đầu tư, cho vay tại Quyết định số 1568/QĐ-UBND thì sẽ được Quỹ xem xét cho vay.
Danh mục các dự án cho vay đầu tư mới được mở rộng theo hướng bao quát hầu hết các lĩnh vực đầu tư thuộc các ngành nghề trên địa bàn thành phố. Theo đó, danh mục mới tăng từ 3 nhóm lĩnh vực thành 12 nhóm lĩnh vực và tăng từ 16 nhóm dự án thành 37 nhóm dự án. Một số nhóm dự án và lĩnh vực mới được bổ sung vào danh mục như: các dự án đầu tư khu du lịch, phát triển kinh tế ban đêm, các dự án sản xuất sản phẩm du lịch; các dự án đầu tư khu dân cư, nhà chung cư, khu tái định cư; các dự án đầu tư thiết bị, phương tiện thu gom xử lý rác thải, khí thải, nước thải; các dự án đầu tư các trung tâm dạy nghề, các cơ sở giáo dục khác; các dự án đầu tư kho dược phẩm; đầu tư mua sắm máy móc thiết bị; các trung tâm dưỡng lão, chăm sóc người cao tuổi…
Đa dạng phương thức hợp tác
Điểm mới nữa là tất cả các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Khu Công nghệ cao đều được tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ chứ không giới hạn như danh mục cũ là chỉ xem xét cho vay đối với các dự án thuộc đối tượng di chuyển, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất từ ngoài khu công nghiệp vào trong khu công nghiệp.
Danh mục cho vay, đầu tư mới áp dụng cho cả lĩnh vực cho vay, đầu tư nhằm kết hợp nguồn lực của Quỹ và nhà đầu tư trong việc triển khai, thực hiện dự án. Nếu như trước đây, hoạt động đầu tư của Quỹ được thực hiện theo 2 hình thức là đầu tư trực tiếp vào các dự án và góp vốn thành lập các tổ chức kinh tế thì nay Quỹ được lựa chọn các hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bao gồm: đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng (hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP và hợp đồng hợp tác kinh doanh - BCC) hoặc thực hiện dự án đầu tư; các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật về đầu tư. Như vậy, cơ hội hợp tác đầu tư, đồng hành phát triển giữa Quỹ với cộng đồng doanh nghiệp được mở rộng hơn với nhiều hình thức đa dạng.
Đối với danh mục lĩnh vực cho vay mới, nhiều nhóm dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên hoặc khác (có lãi suất cho vay ở nhóm 2 hoặc nhóm 3) đã được chuyển sang nhóm các lĩnh vực đặc biệt ưu tiên (có lãi suất cho vay nhóm 1) như: các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, các dự án đầu tư khu du lịch, các dự án đầu tư tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án đầu tư hệ thống vận tải công cộng…
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tăng ưu đãi cho doanh nghiệp
UBND thành phố đã thống nhất giảm lãi suất cho vay tối thiểu tại Quỹ từ 7%/năm xuống 6,5%/năm. Theo đó, các nhóm lãi suất tại Quỹ sẽ giảm xuống 0,5% gồm: nhóm 1: 6,5%, nhóm 2: 7%, nhóm 3: 7,5%.
Điểm đặc biệt ưu đãi về lãi suất tại Quỹ là lãi suất cho vay đầu tư trung và dài hạn. Lãi suất cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thông thường cao hơn lãi suất cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, tại Quỹ duy trì mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay ngắn hạn tại ngân hàng để có tính ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp. Với mức lãi suất tối thiểu 6,5%/năm tại Quỹ hiện nay đã thấp hơn lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo vay 6,6%/năm (0,55%/tháng).
Một điểm đặc biệt nữa là thông thường các ngân hàng sẽ ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay năm đầu tiên và áp dụng lãi suất thả nổi trong các năm còn lại. Tuy nhiên, tại Quỹ thì lãi suất gần như ổn định trong thời gian vay và giảm lãi suất khi thị trường giảm nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể yên tâm, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh trong thời gian dài.
Những ưu đãi cho vay, đầu tư tại Quỹ trong thời gian tới sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Qua đó, góp phần hình thành làn sóng đầu tư mới trong cộng đồng doanh nghiệp khi các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi tại Quỹ, cùng với nguồn vốn tự có của mình sẽ thúc đẩy nhiều nguồn lực cùng tham gia vào quá trình đầu tư phát triển mở rộng sản xuất - kinh doanh. Một khi hiệu quả các nguồn vốn được phát huy sẽ tạo thành sức mạnh giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, khắc phục tác động tiêu cực của Covid-19, tạo tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
ĐOÀN NGỌC VUI