ĐNO - Các địa phương đang gấp rút triển khai xây dựng và tính toán mở thêm các điểm bán hàng cũng như khôi phục chợ truyền thống để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài.
Quận Hải Châu chủ động kết nối các đơn vị cung ứng hàng hóa để đưa thực phẩm về từng khu dân cư. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Nỗ lực cung ứng hàng hóa ở khu dân cư
Trong sáng nay, quận Thanh Khê đang rốt ráo chuẩn bị cho việc mở thí điểm bán hàng, cung ứng thực phẩm cho người dân vào ngày 28-8. Bà Trần Tường Vân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, hiện có 8 tiểu thương (đã được tiêm vắc-xin) sẽ tham gia bán hàng. Tuy nhiên có một khó khăn đó là tiểu thương chưa tìm nguồn hàng cung ứng (rau, thịt, cá) ổn định.
Theo bà Vân, việc triển khai thí điểm các điểm bán hàng này sẽ giúp tăng cường thêm nguồn hàng cho người dân, giảm tải cho các siêu thị đang bị quá tải các đơn hàng như hiện nay. Nếu điểm bán này làm tốt, quận sẽ triển khai thêm các điểm bán mới với điều kiện có được các nguồn hàng ổn định.
Song, điều quan trọng nhất vẫn là tìm được các nguồn cung ứng lâu dài, ổn định nhưng vẫn phải bảo đảm các quy định phòng, chống dịch. Vì vậy khi mở bán từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, đại diện các tổ dân phố sẽ mua hàng theo khung giờ nhất định, tránh tụ tập đông người.
Trong khi đó, bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho hay, quận đang là “điểm nóng” Covid-19 của thành phố, do vậy, việc tăng điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương không phải là giải pháp tốt.
Để kịp thời cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân, địa phương đã chủ động kết nối với các nhà cung ứng lương thực, thực phẩm và trực tiếp đến nhận hàng. Sau khi xe hàng về đến UBND quận, phòng Kinh tế quận phối hợp UBND các phường chở hàng hóa về địa phương mình (mỗi phường đã được hỗ trợ 3 xe vận tải - PV).
“Trong ngày 25-8, chúng tôi đã chủ động đặt 10 tấn cá, 2 tấn tôm, số lượng lớn rau, củ, quả và liên hệ một số nhà cung ứng các mặt hàng thiết yếu để phần nào giảm tải áp lực cho các siêu thị trong những ngày tới”, bà Lợi thông tin.
Còn UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trong ngày mai (27-8), quận tổ chức 4 điểm cung ứng hàng hóa tại 4 phường trên địa bàn. Những điểm bán này do tiểu thương của các chợ truyền thống cũ đứng ra cung ứng, không thông qua doanh nghiệp.
Ông Mai Niên, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Quận đang gấp rút cấp giấy đi đường cho 22 tiểu thương đủ điều kiện đi bán trở lại vào ngày mai. Các tiểu thương tham gia bán ở chợ là người sinh sống tại khu vực đó, mỗi mặt hàng không quá 30% tiểu thương tham gia bán, bảo đảm khoảng cách 5-7m giữa các quầy hàng.
Bên cạnh đó, thực hiện khử khuẩn chợ trước khi hoạt động lại; 100% nhân viên ban quản lý chợ, người lao động, tiểu thương buôn bán tại chợ đã được tiêm 1 mũi vắc-xin, xét nghiệm, thực hiện nghiêm 5K và mang kính chắn giọt bắn; có kết quả xét nghiệm ít nhất 2 lần âm tính và thực hiện xét nghiệm 3 ngày/1 lần bằng phương pháp RT-PCR. Người mua hàng tại các chợ là thành viên của ban điều hành khu dân cư và chợ chỉ hoạt động ở khung giờ 5-10 giờ sáng”.
Từng bước mở lại chợ truyền thống
Theo kế hoạch, trong điều kiện dịch tễ cho phép, ngày 27-8, Sở Công thương sẽ cho mở lại chợ Hàn (quận Hải Châu) và chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà).
Ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng cho biết, trong ngày 26-8, công ty gấp rút làm thủ tục xin cấp giấy đi đường cho một số tiểu thương của chợ Hàn. Nếu kịp, trong chiều tối nay, tiểu thương sẽ nhận được giấy và trong ngày mai sẽ có mặt tại chợ để sắp đặt điểm bán và thăm dò sức mua.
Theo đó, chợ Hàn hoạt động lại với 4 ngành hàng thiết yếu: rau, thịt, hải sản và thực phẩm khô. Mỗi ngành hàng chỉ có 5 hộ kinh doanh hoạt động. Công ty sẽ làm đầu mối, giới thiệu các hộ tiểu thương với các Ban điều hành khu dân cư tại các phường lân cận trên địa bàn. Nếu mọi việc thuận lợi thì khoảng trong ngày 28-8 sẽ hoạt động.
Trong sáng 26-8, chợ An Hải Bắc cũng được kiểm tra để chuẩn bị phân luồng để thí điểm bán hàng cho người dân.
Chợ An Hải Bắc bố trí ghế ngồi có khoảng cách để chuẩn bị phân luồng, hướng dẫn người mua hàng, bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Ảnh: THU HÀ |
Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch quận Sơn Trà cho hay, hiện quận mới chỉ thí điểm tại chợ An Hải Bắc và bán cho người dân trong phường. Đại diện tổ dân phố hoặc tổ Covid-19 cộng đồng sẽ đi mua hàng cho người dân.
Các tiểu thương tham gia bán hàng trong chợ không quá 30% và chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, chủ yếu là rau, củ, quả, thịt, cá, gia vị, đồ khô.
Tại chợ, các lực lượng chức năng cũng đã phân luồng lối đi vào và đi ra cho khách. Mỗi ngày chợ có không quá 200 lượt người đi mua hàng và vào chợ theo khung thời gian nhất định. Chợ sẽ bán 1 ngày, nghỉ 1 ngày. Nếu hình thức này hiệu quả thì quận sẽ triển khai thêm ở các khu vực khác.
Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường cho biết, quận có 5 điểm cung ứng thực phẩm được mở tại các 5 phường, tuy nhiên, có 2 điểm bán của Hội Doanh nhân trẻ chỉ bán trong 1 ngày nên còn lại 3 điểm bán là chợ Hòa Khánh, chợ Hòa Mỹ và chợ Nam Ô.
Riêng chợ Hòa Khánh là nơi có đông lao động của các khu công nghiệp nên sẽ có 20 tiểu thương tham gia bán các mặt hàng thiết yếu. Các điểm bán còn lại mỗi điểm 10 tiểu thương.
Trong chiều 26-8, các tiểu thương sẽ được tiêm vắc-xin; trong chợ đã phân luồng đi lại tại các khu vực bán các mặt hàng thiết yếu là rau, củ, quả, thịt, cá. Các tiểu thương sẽ chủ động các mặt hàng để bán cho người dân và các tổ dân phố sẽ cử đại diện đi mua hàng, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Nếu thí điểm thuận lợi sẽ mở rộng thêm các mặt hàng cho người dân.
Ngoài ra, nếu các khu dân cư, tổ dân phố tìm thêm được nguồn hàng và gom được các nguồn hàng thiết yếu thì quận sẽ hỗ trợ việc giao nhận hàng tại các khu giáp ranh.
QUỲNH TRANG - THU HÀ