Tháo gỡ khó khăn lưu thông hàng hóa

.

ĐNO - Mặc dù Sở Công thương thành phố khẳng định, nguồn cung hàng hóa bảo đảm cung ứng cho toàn thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách "ai ở đâu thì ở đó", tuy nhiên, thực tế những ngày qua, nhiều người dân vẫn chưa đặt mua được thực phẩm.

Nhân viên siêu thị Big C trên đường giao hàng. Ảnh: VĂN HOÀNG
Nhân viên siêu thị Big C trên đường giao hàng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Khả năng giao hàng của siêu thị còn hạn chế

Sau 1 ngày triển khai hình thức người dân tự đặt đơn mua hàng lẻ tới các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, đã có nhiều người dân đặt được hàng và giao tới nhà thông qua các shipper. Song, thực tế những ngày qua, vẫn tồn tại tình trạng người dân chưa đặt được hàng.

Chị Nguyễn Phương Nhi (trú tại phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) cho biết: “Tôi muốn đặt hàng qua ứng dụng của Big C vì nhà tôi sát ngay cạnh siêu thị, mua sắm ở đây quen rồi. Tuy nhiên, siêu thị dù thông báo mở ứng dụng để bán lẻ nhưng tôi thấy ứng dụng liên tục báo lỗi, không vào đặt hàng được”.

Trong khi đó, anh Lê Văn Chính (trú tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) chia sẻ: "Tôi gọi điện tới các siêu thị như Lotte mart, Big C mà không được, ứng dụng đặt hàng cũng bị lỗi".

Qua khảo sát, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là năng lực tiếp nhận và giao tới người dân của mỗi đơn vị bị giới hạn do thiếu nhân sự. Ngoài ra, tuy danh sách siêu thị, chuỗi cửa hàng nhiều nhưng người dân vẫn có tâm lý chọn các thương hiệu quen thuộc hay siêu thị lớn để đặt mua.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho hay, hôm qua trong ngày đầu tiên giao hàng cho khách hàng cá nhân, siêu thị đã phục vụ được 700 đơn lẻ. 

Nhưng thực tế, nhân sự của mỗi siêu thị có giới hạn. Khi tiếp nhận đơn hàng, các nhân viên cũng phải trao đổi, thống nhất danh sách mua hàng, cách thức thanh toán, kiểm tra hàng hóa xem còn hay hết để báo với khách hàng.

Khi nhân viên tiếp nhận đơn hàng trong một thời điểm hoạt động hết công suất thì có thể không nghe được điện thoại đặt hàng, nhưng tại thời điểm khác, sau khi xử lý xong đơn hàng thì khách hàng có thể gọi lại.

Trong khi đó, bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Big C Đà Nẵng thông tin, trong ngày đầu tiên giao hàng cho khách đặt cá nhân, Big C đã giao được khoảng 400 đơn lẻ và 1.000 đơn mua chung.

“Trước lực lượng nhân sự có 60 người (bằng 1/5 bình thường) thì việc phục vụ đơn lẻ có giới hạn. Big C Đà Nẵng khuyến khích người dân nên đặt hàng mua chung qua tổ dân phố để được phục vụ nhanh nhất. Bên cạnh đó, Big C cũng đã đề xuất lên Sở Công thương thành phố tăng thêm lực lượng nhân sự nếu muốn tăng năng lực phục vụ cho thị trường”, bà Thủy nói.

Nguồn cung không quá khan hiếm nhưng các nhà cung ứng thiếu con người và gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển. Ảnh: QUỲNH TRANG
Nguồn cung hàng hóa không quá khan hiếm, nhưng lại thiếu con người và gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển. Ảnh: QUỲNH TRANG

Đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó

Thực tế, trong thời gian Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội chặt, nguồn hàng cung ứng có phần khan hiếm hơn do 3 nguồn cung cấp thực phẩm chính cho thành phố là lò mổ gia súc gia cầm Đà Sơn, cảng cá Thọ Quang, chợ đầu mối Hòa Cường tạm dừng hoạt động.

Trong khi đó, khâu vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện shipper được tiêm vắc-xin nên không thể mở cửa để cung cấp hàng; nguồn hàng rau, củ, quả tươi ở các tỉnh, thành phố phía nam bị nghẽn không về kịp…

Mặc dù các quận, huyện đã lên phương án từng bước mở lại chợ truyền thống, thế nhưng, đến thời điểm này lại gặp một số trở ngại. Đơn cử, nguồn cung thực phẩm tươi sống đứt gãy nên nếu đi bán lại, tiểu thương phải lấy nguồn hàng tại hệ thống siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi.

Riêng các mặt hàng cá, thịt đông lạnh không phù hợp thị hiếu khách hàng; khi tiểu thương không bán hết không thể cấp đông trở lại, vì không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, một lý do khiến tiểu thương chưa mặn mà nhập nguồn hàng từ hệ thống phân phối của siêu thị là vì không thể khai thác lợi nhuận từ hệ thống này (giá bán của các siêu thị luôn cao hơn giá bán tại chợ).

Để phần nào giải quyết nhu cầu thực phẩm của người dân, từ ngày 23-8, chi nhánh Công ty CP Việt Nam đã triển khai điểm bán hàng tại 33 Nguyễn Duy Hiệu (quận Sơn Trà) với các mặt hàng như thịt gà, thịt heo, trứng. Công ty đã chuẩn bị nguồn hàng khoảng 4.000-5.000 con gà, 30-35 tấn thịt heo và 120.000 quả trứng gà mỗi ngày.

Ngoài ra, ngày 24-8, Hội Doanh nhân trẻ thành phố triển khai đồng bộ các chuyến xe bán hàng lưu động tại 4 điểm bán hàng tại quận Liên Chiểu và quận Sơn Trà; tập trung vào các sản phẩm dành cho trẻ em (các loại sữa hộp, bánh kẹo, bỉm, tã…), các mặt hàng tiêu dùng (sữa tắm, sữa rửa mặt, nước rửa chén, kem đánh răng, nước lau sàn, giấy vệ sinh, đồ dùng cho phụ nữ…).

Hiện, một số phường trên địa bàn cũng đã chủ động nguồn cung thực phẩm cho người dân. Như tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), trong chiều 24-8, địa phương đã tổ chức điểm bán hàng lưu động ngay trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ thông tin: “Địa phương chủ động liên hệ với vùng rau tại phường Hòa Hải và Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) để kịp thời cung cấp rau xanh cho người dân. Trong ngày đầu tiên triển khai, địa phương đã đặt 1.000 kg rau ăn lá các loại. Những ngày sau sẽ đặt thêm thịt, cá (đã liên hệ được nhà cung ứng). Đội bán hàng sẽ đến từng dãy phố, phát loa thông báo và giao rau trực tiếp đến từng nhà dân”.

Theo Sở Công thương thành phố, ngày 21-8, Thường trực HĐND đã chủ trương hỗ trợ cho 142.064 hộ khó khăn với định mức 500.000 đồng/hộ, tổng kinh phí 71,032 tỷ đồng. Về cơ bản, đã đáp ứng được nguồn lương thực, thực phẩm cho hơn 40% dân số toàn thành phố; 60% dân số còn lại trên địa bàn thì mua sắm thông qua các kênh phân phối (siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối lớn).

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hạnh cho hay, sở đã huy động 10 siêu thị lớn tham gia vào việc cung ứng hàng hóa, mỗi siêu thị có thể chuẩn bị được 1.000-3.000 đơn hàng theo combo gồm thịt, cá và củ, quả mỗi ngày; riêng hệ thống Vinmart+, khả năng cung ứng khoảng 15.000 đơn hàng tại 130 cửa hàng để cung ứng đến các ban điều hành hoặc trực tiếp đến các hộ dân thông qua lực lượng nhân viên giao hàng bằng xe máy.

Tuy nhiên, để việc phân phối hàng hóa được thông suốt, Sở Công thương đề nghị các ngành, đơn vị liên quan cho phép các siêu thị, đơn vị phân phối được bổ sung hoặc thay đổi nhân viên để tiếp tục thực hiện hoạt động cung ứng hàng hóa từ ngày 23-8 đến 26-8. Bởi lực lượng nhân viên 3 tại chỗ hiện không đáp ứng đủ số lượng đơn hàng khách đặt qua online trong thời gian đến.

Ngoài ra, cần ưu tiên cấp thẻ nhận diện cho phương tiện vận chuyển, người điều khiển phương tiện vận chuyển và người phục vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố.

“Cần thiết cho lò mổ Đà Sơn hoạt động trở lại để cung ứng thịt tươi sống phục vụ nhu cầu của nhân dân, nhưng bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện phối hợp các nhà cung ứng tổ chức thêm các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn”, ông Hạnh đề xuất.

QUỲNH TRANG - MAI QUẾ

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích