ĐNO - Sáng 20-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.QUẾ |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định doanh nghiệp là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong phát triển kinh tế. Thành phố cũng nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các doanh nghiệp cho công tác phòng, chống dịch từ trước đến nay.
Trên cơ sở số lượng vắc-xin phòng Covid-19 được phân bổ, thành phố đã ưu tiên tiêm cho đối tượng công nhân, người lao động của doanh nghiệp.
Thành phố cơ bản bảo đảm số lượng công nhân, người lao động hoạt động để doanh nghiệp có thể sản xuất các đơn hàng, duy trì hợp đồng với đối tác. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thành phố đã chủ động có phương án để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, dự kiến vào cuối tháng 9, thành phố sẽ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc...
Hiện thành phố cũng đã triển khai một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh thành phố cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc; hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn đầu tư và sản xuất thông qua Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố…
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Lê Trung Chinh cảm ơn Chính phủ và các địa phương đã hỗ trợ Đà Nẵng trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế trong thời gian qua. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ cần ưu tiên vắc-xin cho lực lượng công nhân.
Song song đó, Chính phủ cần có chính sách giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng…, giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, các loại phí công đoàn, giảm giá điện. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch - lĩnh vực bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Đà Nẵng rất chủ động trong phương án phục hồi sản xuất và đã có hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị các địa phương khác cũng cần xác định rõ phương án, cách thức để phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.
Thời gian tới, sẽ có số lượng vắc-xin phòng Covid-19 lớn phân bổ về các địa phương, vì vậy, việc tiêm vắc-xin cho công nhân, người lao động sẽ được bảo đảm.
Tuy các địa phương có gửi đề nghị lên Trung ương để có phương án mở cửa sản xuất trong tình hình dịch bệnh, nhưng phương án thực hiện vẫn là UBND các tỉnh, thành phố quyết định.
Do đó, địa phương nên chủ động đối thoại với doanh nghiệp. Đồng thời, có thể hình thành các ban chỉ đạo liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm công tác lưu thông hàng hóa, giữ vững chuỗi cung ứng để dần phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp...
MAI QUẾ