ĐNO - Phát biểu tại hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” sáng 24-9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh thông tin một số chính sách hỗ trợ của thành phố thời gian qua và định hướng phát triển, phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội nghị. |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, tổng kinh phí để hỗ trợ cho người lao động thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 và Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19-7-2021 của UBND thành phố là gần 77 tỷ đồng.
Cụ thể, thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 52 đơn vị với 881 người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và ngừng việc với số tiền hơn 3,44 tỷ đồng; hiện các quận, huyện đã chi 3,28 tỷ đồng (đạt 95,44%).
Song song đó, thành phố đã hỗ trợ 78 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền 331 triệu đồng; hỗ trợ 34 viên chức hoạt động nghệ thuật với số tiền 126 triệu đồng; hỗ trợ 1.342 hướng dẫn viên du lịch với số tiền gần 5 tỷ đồng; hỗ trợ 167 hộ kinh doanh gần 500 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, tính đến ngày 14-9, thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ 12.527 người với số tiền 18,53 tỷ đồng. Các quận, huyện đã chi cho 11.275 người với số tiền 16,7 tỷ đồng (đạt 90,01%).
Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ 1.080 đoàn viên, người lao động bị tác động trực tiếp bởi Covid-19 với số tiền 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ 4.078 đoàn viên, người lao động khó khăn với số tiền 1,4 tỷ đồng; hỗ trợ 2.251 người lao động mất việc làm (mỗi người 1 triệu đồng) với số tiền 2,2 tỷ đồng; hỗ trợ 10.000 suất nhu yếu phẩm cho người lao động khó khăn bởi Covid-19 với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng.
Bảo hiểm Xã hội thành phố đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 9.036 đơn vị với 137.013 người, số tiền hơn 15 tỷ đồng; tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 11 đơn vị với 1.091 người, số tiền 3,65 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh Đà Nẵng đã cho 7 đơn vị vay vốn với 284 lao động, tổng số tiền 1,1 tỷ đồng. Trong đó, cho vay trả lương ngừng việc là 6 đơn vị với 250 lượt lao động, số tiền 980 triệu đồng và cho vay phục hồi sản xuất 1 đơn vị với 34 lao động, số tiền là 133 triệu đồng…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, tính đến ngày 31-8, tổng dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn thành phố là hơn 63.350 tỷ đồng, chiếm 33,6% tỷ trọng dư nợ.
Số dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế tại cuối kỳ báo cáo (bao gồm gốc, lãi) là 7.030 tỷ đồng với 3.734 khách hàng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (bao gồm gốc, lãi) là 12.368 tỷ đồng với 6.344 khách hàng.
Dư nợ được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ tại cuối kỳ báo cáo là 3.236 tỷ đồng với 434 khách hàng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được miễn giảm lãi là 6.080 tỷ đồng, với số lãi 20,11 tỷ đồng với 772 khách hàng.
Số cho vay mới từ đầu năm 2020 đến 30-8-2021 là 271.724 tỷ đồng, số dư nợ là 21.675 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ là 6.995 khách hàng. Giảm lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ 0,5-1,5% so với mức lãi suất cho vay hiện hành.
Về hỗ trợ chính sách thuế, ngành thuế đã gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất trong năm 2021 với số tiền ước giảm 1.088,4 tỷ đồng (trong đó tiền thuê đất là 128 tỷ đồng)...
Thành phố cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với cộng đồng doanh nghiệp vì đã đóng góp trong công tác phòng, chống dịch. Tổng số tiền cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ rất lớn, ước tính khoảng 150 tỷ đồng (riêng tiền mặt khoảng 57 tỷ đồng).
Về tình hình kinh tế trong 9 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm 31,3% so với cùng kỳ 2020; doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 5,6% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.306 triệu USD, tăng 14,9%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 6,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP giảm 4,16%.
Ước 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán năm 2021 đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch Trung ương giao và 36,7% HĐND thành phố giao (giảm so với cùng kỳ năm 2020 là 40,7%).
Thành phố phấn đấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn GRDP năm 2021 tăng 1,59% so với năm 2020; các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,86%, 1,74% và 0,98%...
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và của thành phố.
Trong đó, tập trung khẩn trương triển khai các chính sách như: hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để trả lương, vay vốn ngân hàng thương mại được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12-7-2018…
Bên cạnh đó, khẩn trương tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động, ưu tiên tiêm vắc-xin mũi 1, 2 cho lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Tăng cường công tác dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động; trình UBND thành phố mức hỗ trợ đào tạo phù hợp, mở rộng đối tượng để người lao động có cơ hội học nghề, chuyển đổi ngành nghề thay Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố quy định chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thuộc diện chính sách xã hội trên địa bàn…
TRIỆU TÙNG - MAI QUẾ - VĂN HOÀNG