Sự kết nối về hạ tầng giao thông, điểm du lịch, quy hoạch phát triển đô thị giúp kinh tế - xã hội các địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam phát triển; trong đó, liên kết chuỗi đô thị đã trực tiếp tạo thêm nguồn cung bất động sản (BĐS) đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang hình thành chuỗi đô thị liên kết ven theo tuyến sông Cổ Cò. TRONG ẢNH: Dự án khu đô thị phía nam thành phố Đà Nẵng đang được các chủ dự án đầu tư hạ tầng, mở bán các sản phẩm bất động sản. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Theo nhận định của Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA), công ty chuyên về tư vấn phát triển BĐS, năm 2021, trong khi phân khúc nghỉ dưỡng trên thị trường BĐS Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam tiếp tục duy trì đà sụt giảm từ năm 2020 thì phân khúc nhà phố biệt thự và đất nền lại có sự phát triển đáng chú ý. Ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển DKRA Việt Nam cho hay, từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, một số tín hiệu báo hiệu sự khởi đầu cho một thời kỳ mới đã xuất hiện trên thị trường BĐS Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam sau khoảng thời gian yên ắng do tác động của Covid-19.
Không chỉ các chủ đầu tư chuẩn bị đón “sóng”, nhiều nhà đầu tư khắp cả nước cũng đang trở lại khu vực miền Trung. Trong đó, thành phố Đà Nẵng được định vị là điểm đến của BĐS cao cấp và BĐS nghỉ dưỡng. Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, trung tâm tài chính khu vực, thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng, phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển…
Không chỉ là trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng còn là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng sở hữu hệ thống BĐS nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Với định hướng quy hoạch này, dự báo thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút nhiều chủ đầu tư lớn đến triển khai các dự án cao cấp và hạng sang.
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, với định hướng đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa đặc trưng cũng đã và đang đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, tập trung xây dựng bản đồ phát triển BĐS để thu hút đầu tư. Đồng thời phát triển đồng bộ hệ thống giao thông liên vùng, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án kết nối trực tiếp đến Đà Nẵng và Hội An. Bên cạnh không gian “Huế xưa”, Thừa Thiên Huế sẽ có thêm không gian “Huế mới” với các vùng đô thị hiện đại, văn minh.
Trong khi đó, một tín hiệu rất đáng chú ý giữa Đà Nẵng và Quảng Nam là việc bắt tay triển khai dự án khơi thông lòng sông Cổ Cò, đưa vào sử dụng hệ thống giao thông kết nối các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven biển và phố cổ Hội An… Đây là tuyến giao thông đường thủy và du lịch quan trọng nối liền Đà Nẵng và Hội An. Việc xây dựng các khu đô thị ven sông Cổ Cò theo quy hoạch được xem là động lực kinh tế, kích thích sự phát triển cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Tính chất cộng hưởng qua lại của dự án này sẽ tạo sức bật kinh tế cho cả hai thị trường.
Dưới góc nhìn liên kết vùng trong định hướng phát triển tiềm năng kinh tế, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định việc hình thành cụm đô thị liên kết Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là điều tất yếu. Với định hướng này, cả 3 đô thị sẽ cùng nhau nâng giá trị đóng góp cho kinh tế cả nước của vùng lên tầm cao mới, tương xứng với các tiềm năng phát triển.
Theo ông Cấn Văn Lực, bước sang năm 2022, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai, hoàn thiện sẽ tiếp tục “khép kín” cung đường du lịch thành phố Huế - Đà Nẵng - thành phố Hội An (Quảng Nam); đồng thời việc dần mở lại các chuyến bay quốc tế sẽ mang đến nhiều triển vọng phục hồi cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại các địa phương.
Thị trường BĐS khu vực hội tụ nhiều điều kiện tương đồng về địa lý, tiềm năng du lịch, hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội… nên Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam có khả năng cộng hưởng giá trị, tạo ra động lực phát triển mới cho toàn khu vực với sự hình thành của cụm đô thị liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc DKRA Việt Nam Phạm Lâm nhấn mạnh, trên nền tảng của các tiền đề hiện hữu và điểm tựa lạc quan, DKRA cho rằng, tính chất thị trường BĐS Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đang bộc lộ sự thay đổi, nâng tầm vị thế, sẵn sàng cho bước chuyển mình, đột phá trong thời gian sắp tới.
TRIỆU TÙNG