Giải Nobel Hóa học: Vinh danh cuộc cách mạng trong khoa học tiến hóa

.

Giải Nobel Hóa học năm 2018 xướng tên 3 nhà khoa học Frances H. Arnold, George P. Smith và Gregory P. Winter với trị giá giải thưởng chia đôi, một nửa thuộc về bà Arnold và nửa còn lại thuộc về ông Smith và ông Winter. Ba nhà khoa học đã kiểm soát được quá trình tiến hóa và sử dụng cùng nguyên tắc - biến đổi và chọn lọc gen - để phát triển các protein, ứng dụng trong thuốc và các liệu pháp trị bệnh.

3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2018.  Ảnh: Nobel Prize
3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2018. Ảnh: Nobel Prize

Đài CNN dẫn thông báo của Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển cho biết, giải Nobel Hóa học năm nay “vinh danh một cuộc cách mạng trên nền tảng tiến hóa” dành cho các nhà khoa học “đã áp dụng các nguyên lý của nhà bác học Darwin trong ống nghiệm”. Các phương pháp do 3 nhà khoa học phát triển đã được đưa vào ứng dụng để tạo ra các loại enzyme và kháng thể mới, được sử dụng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp hóa học xanh, giảm thiểu bệnh tật và cứu sống thêm nhiều người.

Bà Arnold công tác tại Viện Công nghệ California (Mỹ). Bà được ghi nhận là người chứng minh “sự tiến hóa có định hướng” lần đầu tiên của các enzyme, đó là những protein làm xúc tác cho các phản ứng hóa học. Các enzyme này được tạo ra thông qua quá trình tiến hóa có định hướng, được sử dụng để sản xuất mọi thứ, từ nhiên liệu sinh học bền vững đến dược phẩm. Nhà khoa học kiêm kỹ sư người Mỹ này trở thành người phụ nữ thứ 5 trong lịch sử giành giải Nobel, sau các bà Ada Yonath (năm 2009), Dorothy Crowfoot Hodgkin (năm 1964), Irène Joliot-Curie (năm 1935) và mẹ bà Joliot-Curie là bà Marie Curie (năm 1911).

Ông Smith là giáo sư Đại học Missouri (Mỹ), giành giải Nobel vì đã tìm ra phương pháp kỹ thuật hiển thị trên thể thực khuẩn (phage display) để làm tiến hóa các protein mới. Người chia sẻ giải thưởng với ông Smith là ông Winter (Đại học Cambridge, Anh) vì góp phần làm hiệu quả hơn phương kỹ thuật phage display. Kỹ thuật này được sử dụng để sản xuất các loại kháng thể có khả năng trung hòa nhiều độc tố, kháng lại các bệnh tự miễn và ung thư di căn.

ĐỖ DƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.