Hàn Quốc, Trung Quốc vừa nới lỏng các biện pháp hạn chế thì Covid-19 bùng phát trở lại. Tại Mỹ, Covid-19 “gõ cửa” Nhà Trắng khi các trợ lý của Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence có kết quả dương tính.
Các nhà chức trách ở Seoul (Hàn Quốc) tiến hành phun thuốc khử trùng ở các trường học trước khi mở cửa đón học sinh. Ảnh: Getty Images |
Hãng Yonhap dẫn lời các quan chức y tế Hàn Quốc cho biết, hiện có 102 ca nhiễm liên quan hộp đêm và bar tại khu phố Itaewon, thuộc quận Yongsan (thủ đô Seoul); các ca nhiễm này chủ yếu ở Seoul và tỉnh Gyeonggi. Trong đó, 27 ca nhiễm mới được ghi nhận vào ngày 12-5. Chính ổ dịch ở Itaewon, chứ không phải các trường hợp nhập cảnh, là mối lo ngại về làn sóng thứ hai Covid-19 ở Hàn Quốc, quốc gia được đánh giá thành công trong việc kiểm soát đại dịch này.
Tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), các nhà chức trách sẽ tổ chức xét nghiệm đối với toàn bộ 11 triệu dân sau khi có các ca nhiễm mới lần đầu tiên kể từ lúc dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 8-4. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 12-5, ông Mễ Phong - người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho rằng, việc các ca nhiễm mới xuất hiện trở lại trong những ngày gần đây cho thấy chưa thể nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Tại Đức, chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Angela Merkel nói rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể dần trở lại bình thường, nước này ghi nhận 933 ca nhiễm mới trong ngày 12-5, theo thống kê của Viện Robert Koch (RKI) - cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh quốc gia. Đức có tổng cộng hơn 170.500 ca nhiễm. Tỷ lệ lây nhiễm tăng lên 1,07 trong ba ngày qua, nghĩa là 100 người mắc Covid-19 sẽ lây trung bình cho 107 người khác và nếu tiếp tục như vậy thì hệ thống y tế thậm chí sẽ quá tải. Nếu tỷ lệ này dưới 1, tình trạng lây nhiễm nằm trong tầm kiểm soát và đang chậm lại.
Đức vừa kết thúc giai đoạn đầu tiên trong cuộc chiến chống Covid-19 và các bang bắt đầu nới lỏng một số hạn chế. Thủ tướng Merkel vẫn kêu gọi người dân tuân thủ các quy định giãn cách xã hội, nhất là khi dịch bệnh đang lây lan nhanh trở lại. Tuy nhiên, hàng nghìn người đã đổ xuống đường để phản đối các biện pháp như đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện công cộng hay hạn chế tiếp xúc xã hội…
Theo hãng AP, phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, TS. Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi “cảnh giác cao độ” khi nhiều quốc gia bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa. Theo ông Ryan, việc theo dõi những trường hợp tiếp xúc các ca nhiễm ở Đức và Hàn Quốc mang đến hy vọng có thể khống chế được dịch bệnh trước khi vượt tầm kiểm soát. Vị quan chức y tế của WHO bày tỏ lo ngại về làn sóng thứ hai và cho rằng dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến ở mức độ ít nghiêm trọng nhưng khi không có khả năng điều tra các nhóm bệnh nhân thì SARS-CoV-2 luôn có khả năng bùng phát lại. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng thúc giục các nước “dỡ bỏ phong tỏa chậm rãi và từng bước”.
Số ca nhiễm trên toàn thế giới hiện vượt mốc 4,1 triệu người và có 286.000 người tử vong, theo thống kê của WHO. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất với hơn 1,3 triệu ca nhiễm và 80.600 ca tử vong. Tuần qua, các trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence dương tính với SARS-CoV-2, làm dấy lên nỗi lo dịch bệnh đang “gõ cửa” Nhà Trắng. Các thành viên của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 phải cách ly, trong đó có cả TS. Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm. Song, Tổng thống Trump nói rằng, ông không dễ bị nhiễm virus và mọi người đến Nhà Trắng đều được xét nghiệm.
Do lo ngại thiệt hại nặng nề về kinh tế nên hầu hết các bang tại Mỹ dần nới lỏng phong tỏa, nhưng cách thức triển khai khác nhau ở từng bang. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 11-5 (giờ Washington), Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đã chiến thắng đại dịch Covid-19 nhờ năng lực xét nghiệm vượt trội so với bất kỳ quốc gia nào và đây là lúc phải mở cửa trở lại. Chính phủ của ông dự kiến chi thêm 11 tỷ USD để hỗ trợ các bang tăng cường khả năng xét nghiệm - một trong những điều kiện tiên quyết để mở cửa trở lại.
Trong lúc đó, TS. Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ) nhận định, việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ khiến người Mỹ gặp nguy hiểm. “Virus sẽ không phát triển chậm lại cho tới khi 60-70% dân số bị nhiễm”, ông Osterholm nói. Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington dự báo, đến đầu tháng 8, nước Mỹ có hơn 137.000 người Mỹ chết vì Covid-19. Con số này cao hơn so với dự báo 134.000 người và so với dự đoán của Tổng thống Trump rằng khoảng 100.000 người có thể tử vong vì Covid-19 ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
PHÚC NGUYÊN