Khi cả thế giới có hơn 4,3 triệu ca nhiễm, SARS-CoV-2 vẫn chưa bị đánh bại và có thể không bao giờ biến mất, nghĩa là người dân trên thế giới sẽ học cách sống chung với loại virus này như HIV.
Một cửa hiệu ở thành phố Rome (Ý) trưng bảng kêu gọi chính phủ hỗ trợ để mở cửa trở lại. Tấm bảng này viết: “Nếu không có viện trợ của chính phủ, chúng tôi không thể mở cửa lại vào ngày 18-5. Hàng ngàn nhân viên gặp rủi ro”. Ảnh: AFP/Getty Images |
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 13-5 (giờ Geneva, Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về khả năng tồn tại mãi mãi của SARS-CoV-2 trong lúc một số nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế và lệnh phong tỏa để cuộc sống dần trở lại bình thường.
Hãng AFP dẫn lời ông Michael Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO cho rằng, khó có thể dự đoán thời điểm con người tiêu diệt được SARS-CoV-2. “Chúng ta đang chứng kiến một loại virus lần đầu xâm nhập vào loài người. Vì vậy, rất khó dự đoán thời điểm có thể ngăn chặn được nó. Điều quan trọng là virus này có thể trở thành loại virus thường thấy trong cộng đồng và không bao giờ biến mất”, ông Ryan nói. Theo đó, vị quan chức của WHO khuyến cáo con người cần học cách sống chung với SARS-CoV-2 như HIV.
Ông Ryan cũng cho hay, thế giới hiện kiểm soát được phần nào đại dịch Covid-19 và đang phát triển hơn 100 loại vaccine, một số loại đã được thử nghiệm lâm sàng; nhưng việc nghiên cứu, phát minh vaccine thực sự hiệu quả vẫn là thách thức lớn. Ông Ryan kêu gọi các nước hợp tác, hỗ trợ để cùng ứng phó với Covid-19, biến khủng hoảng thành cơ hội của sự đoàn kết.
Khi có vaccine phòng Covid-19, các nước và các nền kinh tế có thể mở cửa lại hoàn toàn, thay vì mở cửa theo từng giai đoạn trong nỗi lo sợ làn sóng thứ hai của dịch bệnh sẽ bùng phát. Tuy nhiên, khi một số nước đang mở cửa lại, WHO cho rằng, đây là hành động liều lĩnh bởi không có gì bảo đảm việc nới lỏng hạn chế sẽ không gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Mỹ hiện có hơn 1,3 triệu ca nhiễm và 84.000 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins và WHO. Tổng thống Donald Trump thúc đẩy việc nối lại các hoạt động kinh tế khi cuộc bầu cử đang đến rất gần. Hơn nữa, thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 1.935 tỷ USD trong 12 tháng tính đến hết tháng 4 và GDP được dự báo sẽ giảm 6,6% trong năm nay khiến ông Trump không thể ngồi yên. Chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh ở Mỹ Anthony Fauci liên tiếp cảnh báo rằng, việc mở cửa quá sớm sẽ dẫn đến nguy cơ không kiểm soát được dịch bệnh và tiến trình phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn. Song, người đứng đầu Nhà Trắng gọi khuyến cáo này là “không thể chấp nhận”. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cũng nói rằng, dịch bệnh có thể bùng phát lại khi các bang nới lỏng giãn cách xã hội.
Tại Pháp, giờ đây, lần đầu tiên trong 8 tuần qua người dân có thể ra đường mà không cần xin phép. Một số cửa hàng cũng mở cửa trở lại. New Zealand đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia từ ngày 13-5. Tại Úc, chính phủ nước này đang trải qua cảm giác “sốc” khi có gần 600.000 người mất việc làm trong tháng 4, tương đương 6,2%. Thủ tướng Scott Morrison nói rằng, Úc đang đối mặt với thời điểm khó khăn nhất trong lúc thực hiện 3 bước nới lỏng các hạn chế. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng vừa bãi bỏ tình trạng khẩn cấp ở hầu hết tỉnh, thành, nhưng không có thủ đô Tokyo.
Hãng Reuters cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất 27 nước trong Liên minh châu Âu (EU) có mức độ lây lan Covid-19 tương đương nhau cần nới lỏng quy định đi lại và tiến tới khôi phục hoàn toàn việc di chuyển tự do trong khối. Song, mỗi nước đều có chủ trương riêng. Pháp duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới với Đức đến ngày 15-6. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hiện không có kế hoạch mở lại biên giới với Ý. Tây Ban Nha tuy đã nới lỏng phong tỏa nhưng vẫn đóng cửa biên giới với du khách ngoài châu Âu tới tháng 7...
Hãng AP dẫn lời bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học của WHO, cho rằng phải mất từ 3-4 năm để cung cấp vaccine Covid-19 và mất từ 4-5 năm để kiểm soát được dịch bệnh này. |
PHÚC NGUYÊN