Hãng AFP cho biết, Nga vừa thông báo sẽ thử nghiệm đại trà vắc-xin ngừa Covid-19 có tên Sputnik V cho hơn 40.000 người tại 45 trung tâm y tế trên cả nước trong tuần tới.
Bên trong phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu miễn dịch học và vi sinh học Gamaleya ở Moscow. Ảnh: Reuters |
Vắc-xin Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaley thuộc Bộ Y tế Nga phát triển. Sau 2 tháng thử nghiệm lâm sàng trên người ở quy mô nhỏ (các kết quả nghiên cứu của hai đợt này hiện chưa được công bố), chính quyền Nga và nhiều nhà khoa học nước này ca ngợi đây là loại vắc-xin ngừa Covid-19 an toàn, hiệu quả, khả năng miễn dịch kéo dài 2 năm.
Trong cuộc họp báo ở Moscow ngày 20-8, ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - đơn vị đầu tư ngân sách phát triển vắc-xin Sputnik V, tuyên bố mọi dữ liệu liên quan vắc-xin sẽ được công bố trong một tạp chí khoa học vào cuối tháng này.
Cũng theo ông Dmitriev, Nga đã nhận được yêu cầu đặt mua tới 1 tỷ liều vắc-xin Sputnik V từ khắp nơi trên thế giới, trong khi nước này chỉ có thể sản xuất 500 triệu liều mỗi năm thông qua các hợp tác sản xuất vắc-xin. Ông Dmitriev cho biết thêm, những dữ liệu nghiên cứu vắc-xin sẽ được gửi lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và gửi đến nhiều quốc gia đang cân nhắc tham gia thử nghiệm vắc-xin giai đoạn cuối, trong đó có Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia và Philippines.
Vắc-xin Sputnik V đã được cơ quan quản lý dược tại Nga phê duyệt. Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức khác tự hào tuyên bố Nga là nước đầu tiên cấp phép một loại vắc-xin ngừa Covid-19. Mặc dù thủ tục đăng ký đã xong, nhưng việc đăng ký đã diễn ra trước khi khởi động đợt thử nghiệm đại trà vắc-xin, còn được gọi là thử nghiệm giai đoạn 3 - một giai đoạn thử nghiệm quan trọng không thể thiếu của bất kỳ loại vắc-xin nào. Theo hồ sơ của WHO, hiện trên thế giới có ít nhất 4 loại vắc-xin ngừa Covid-19 tiềm năng khác cũng đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ 3 như Sputnik V.
Theo ông Dmitriev, việc đăng ký sớm vắc-xin Sputnik V cho phép Nga có thể bắt đầu tiêm vắc-xin này cho những người ở nhóm nguy cơ cao như các nhân viên y tế kể từ tháng 10 năm nay, song song với việc tiến hành thử nghiệm đại trà.
Việc tiêm vắc-xin Sputnik V được tiến hành trên cơ sở tự nguyện và những người tham gia sẽ được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với hơn 40.000 người sẽ do một tổ chức nghiên cứu lâm sàng nước ngoài giám sát để bảo đảm việc thu thập dữ liệu hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện chưa rõ thông tin chi tiết về tổ chức nghiên cứu này.
Các nhà nghiên cứu Nga cho biết những thử nghiệm ban đầu cho thấy vắc-xin Sputnik V tạo ra phản ứng miễn dịch đáng kể ở người, nhưng khoảng thời gian bảo vệ con người trước SARS-CoV-2 có thể duy trì bao lâu của vắc-xin thì hiện vẫn chưa rõ ràng, cần chờ thêm kết quả thử nghiệm đại trà tới đây.
Johnson & Johnson thử nghiệm vắc-xin với 60.000 tình nguyện viên Công ty Johnson & Johnson (Mỹ) thông báo kế hoạch thử nghiệm vắc-xin tiềm năng của họ với 60.000 tình nguyện viên trong một thử nghiệm giai đoạn cuối dự kiến khởi động trong tháng 9. Theo hãng tin Reuters, thử nghiệm này sẽ được tiến hành tại gần 180 điểm trên toàn nước Mỹ và các nước khác như Brazil, Mexico. Johnson & Johnson xác nhận với Reuters về việc họ đang lên kế hoạch thử nghiệm và tuyển tình nguyện viên tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Công ty Johnson & Johnson đang đề xuất mức giá vắc-xin của họ khoảng 10 USD/liều trong thỏa thuận ký với chính phủ Mỹ sẽ cung cấp 100 triệu liều. Các nhà sản xuất vắc-xin như Moderna và Pfizer cũng đang nhắm tới mục tiêu tuyển 30.000 tình nguyện viên tham gia các thử nghiệm giai đoạn cuối vắc-xin ngừa Covid-19 tiềm năng. Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu xúc tiến đàm phán để ký hợp đồng với Công ty CureVac của Đức, dự kiến ban đầu có thể mua 225 triệu liều vắc-xin. EU muốn bảo đảm đủ vắc-xin cung cấp cho tất cả 27 thành viên thuộc liên minh nếu loại vắc-xin của CureVac được chứng minh là an toàn và hiệu quả. |
TRẦN ĐẮC LUÂN