Trong cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 21-9, các nhà lãnh đạo sẽ ra tuyên bố chung kêu gọi hành động hơn nữa nhằm xây dựng một thế giới hậu đại dịch Covid-19 công bằng hơn và hợp tác cùng nhau.
Cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ đề cập chủ yếu về đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Du khách vẫn tấp nập ở Amsterdam (Hà Lan) dù làn sóng thứ hai của Covid-19 đang đe dọa châu Âu. Ảnh: CNN |
Trong lúc đại dịch Covid-19 tác động đến toàn cầu, các nhà lãnh đạo sẽ không đến New York (Mỹ) để dự họp Đại hội đồng LHQ mà gửi các bài phát biểu được thu sẵn. Hãng AP dẫn lời Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Vì vậy, phiên họp Đại hội đồng năm nay cũng sẽ không giống bất kỳ phiên họp nào”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm của LHQ, phiên họp diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Sẽ không có cảnh tắc đường, hay phong tỏa các tuyến phố để dành đường cho các đoàn xe VIP, cũng không phải tăng cường an ninh để bảo vệ các nhà lãnh đạo… 193 thành viên, mỗi nước có một nhà ngoại giao vào phòng họp của Đại hội đồng nhưng phải đeo khẩu trang và các ghế ngồi đều cách xa nhau. Các nhà ngoại giao này sẽ giới thiệu bài phát biểu của lãnh đạo nước mình, sau đó trình chiếu video phát biểu trong vòng 15 phút.
Theo AP, ông Volkan Bozkir, nhà ngoại giao và chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ, người giữ chức Chủ tịch Đại hội đồng từ tháng 9-2020 đến tháng 9-2021 cho biết, có 10 nhà lãnh đạo muốn đến New York để dự họp, trong đó có Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Song, theo quy định kiểm dịch của Mỹ, các nhà lãnh đạo không thể đến New York, trừ Tổng thống Donald Trump. Tuy vậy, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows xác nhận ông Trump không có mặt ở New York mà sẽ phát biểu vào ngày 22-9, đề cập hàng loạt vấn đề, từ Covid-19 đến chương trình hạt nhân của Iran.
Trong cuộc họp cấp cao ngày 21-9, các nhà lãnh đạo sẽ ra tuyên bố chung kêu gọi hành động hơn nữa nhằm xây dựng một thế giới hậu đại dịch Covid-19 công bằng hơn, phối hợp cùng nhau và bảo vệ hành tinh. Tuyên bố cũng dự kiến nhấn mạnh việc LHQ đã giúp giảm thiểu hàng chục cuộc xung đột, cứu hàng trăm ngàn người thông qua các chương trình hành động nhân đạo. Song, tuyên bố sẽ khẳng định việc thế giới đối mặt với các thách thức đang gia tăng, bao gồm: bất bình đẳng, nghèo đói, xung đột vũ trang, khủng bố, mất an ninh, biến đổi khí hậu và đại dịch.
Tuần qua, phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký LHQ Guterres đề cập việc đại dịch “vượt tầm kiểm soát” đã cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người. Ông Guterres cho rằng, thế giới cần đoàn kết để không chỉ đánh bại Covid-19 mà còn bảo đảm có vắc-xin cho tất cả mọi người, đồng thời tạo động lực để thúc đẩy hòa bình. Đến nay, theo CNN, thế giới có tổng cộng hơn 31 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 962.000 ca tử vong. Mỹ là vùng dịch lớn nhất với 6,7 triệu ca nhiễm và hơn 200.000 người tử vong. Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới có hơn 5,3 triệu ca nhiễm và 85.600 ca tử vong.
Trong bài phát biểu ngày 21-9, ông Guterres cũng sẽ nhắc lại lời kêu gọi của mình vào ngày 23-3 vừa qua về việc ngừng bắn toàn cầu. “Hôm nay, từ Afghanistan đến Sudan, chúng tôi chứng kiến các bước đi đầy hy vọng hướng đến hòa bình”, ông Guterres nói trong cuộc họp báo tuần trước. “Ở Syria, Libya, Ukraine và những nơi khác, việc ngừng bắn, ngừng giao tranh có thể tạo ra không gian cho ngoại giao. Ở Yemen, chúng tôi đang thúc giục ngừng bắn và các biện pháp xây dựng lòng tin, nối lại tiến trình chính trị”, ông cho biết thêm.
Theo hãng CBS News, có những quan ngại về việc tổ chức hội nghị trực tuyến sẽ mở ra tiền lệ cho diễn đàn quy mô lớn của LHQ và không giải quyết hết những vấn đề mà toàn cầu đang đối mặt. Song, các chuyên gia LHQ bác bỏ những lo lắng này và cho rằng “sự bất thường” trong năm nay do ảnh hưởng Covid-19 sẽ không tạo ra xu hướng vì các nhà lãnh đạo vẫn muốn hiện diện tại bục phát biểu của LHQ để bày tỏ quan điểm của mình.
VĨNH AN