Trong lúc xung đột ở Nagorno-Karabakh (Cộng hòa Artsakh ly khai) leo thang, Nga đang ở thế khó vì nước này có thỏa thuận an ninh tập thể với Armenia, buộc phải bảo vệ trong trường hợp Armenia bị tấn công. Nga đã kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức.
Số người thiệt mạng cũng như thương vong trong cuộc xung đột lên đến hàng nghìn nhưng phía Azerbaijan không công bố tổn thất. Ảnh: AFP/Getty Images |
Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 1-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron thúc giục Azerbaijan và Armenia ngừng bắn. Hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo về các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác, ưu tiên trong khuôn khổ cơ chế của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhằm chấm dứt xung đột. Nga cũng đề nghị sẽ chủ trì hội nghị các ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan nhằm bàn thảo về cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua ở khu vực nam Caucasus vốn rất bất ổn.
Văn phòng của Tổng thống Pháp xác nhận: “Tổng thống Macron và người đồng cấp Putin đã thống nhất cần có nỗ lực chung để tiến đến ngừng bắn”. Tuyên bố từ Điện Kremlin cũng nêu rõ: Không có cách nào khác ngoài việc dùng “các biện pháp ngoại giao và chính trị” để giải quyết khủng hoảng.
Số binh lính thiệt mạng của hai bên lên đến hàng trăm người. Phía Azerbaijan không công bố tổn thất nên những con số được đưa ra chỉ dựa vào thông tin từ Bộ Quốc phòng Armenia. Theo Reuters, sự tái bùng nổ một trong những cuộc xung đột có từ nhiều thập niên qua làm dấy lên lo lắng về sự ổn định ở nam Caucasus, vốn là hành lang cho các đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt đến các thị trường thế giới; đồng thời cũng đặt ra quan ngại rằng các cường quốc khu vực như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị cuốn vào căng thẳng. Giới quan sát cho rằng, đây không chỉ là cuộc đối đầu giữa hai nước nhỏ, mà còn là vấn đề địa chính trị mang tầm “liên khu vực” nên Moscow và Ankara sẽ không thể thờ ơ.
Nga có thỏa thuận an ninh tập thể với Armenia, nhưng lại có mối quan hệ hợp tác với Azerbaijan. Nếu đóng vai trò hòa giải, Nga đương nhiên sẽ thúc đẩy giải pháp có lợi cho hai bên. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều nhìn nhận những lợi ích khi Moscow can dự vào khủng hoảng Nagorno-Karabakh lần này. Hơn nữa, Nga còn là đồng Chủ tịch nhóm công tác Minsk của OSCE về Nagorny-Karabakh (cùng với Pháp và Mỹ). Theo đó, Nga đã liên tục có các cuộc điện đàm với đại diện của Armenia, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi xung đột bùng phát vào ngày 27-9.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này là đồng minh thân thiết của Azerbaijan. Vì vậy, Ankara tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Baku cả trên bàn đàm phán lẫn trên chiến trường. Ankara và Baku đã ký Hiệp định Đối tác chiến lược và tương trợ lẫn nhau, trong đó quy định mỗi bên sẽ hỗ trợ và sử dụng “mọi công cụ có thể” trong trường hợp bên kia bị tấn công hay xâm lược.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực chỉ mang tính chất “ổn định”, không can dự lập tức vào năng lực của một bên xung đột. Tuy nhiên, phía Armenia cáo buộc sự vào cuộc của Ankara là “hành động gây hấn trực tiếp”. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng, việc Pháp thể hiện sự đoàn kết với Armenia thực chất là ủng hộ sự chiếm đóng của quốc gia nam Kavkaz này ở Azerbaijan. Tổng thống Macron tố rằng, phát biểu của Ankara mang tính “hiếu chiến”.
Hãng Reuters cũng cho hay, ông Putin và ông Macron đều chia sẻ những lo ngại khi Thổ Nhĩ Kỳ cử lính đánh thuê đến Nagorno-Karabakh. Tuyên bố của Điện Kremlin không đề cập vấn đề này, nhưng Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, các tay súng Syria và Libya từ các nhóm vũ trang bất hợp pháp được cử đến Nagorno-Karabakh. Moscow kêu gọi các quốc gia liên quan cần ngăn chặn sử dụng “các lính đánh thuê và phần tử khủng bố nước ngoài”.
Báo The Independent nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một nhân tố quan trọng có khả năng khiến xung đột Nagorno-Karabakh leo thang, nhưng cũng có thể giúp giảm căng thẳng. Giờ chỉ chờ sự đàm phán của các cường quốc để ngăn xung đột leo thang thành chiến tranh quy mô lớn.
THIÊN BÌNH