G7 trước những thách thức mang tính toàn cầu

.

Sau hơn 1 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, nhóm các nền kinh tế phát triển gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản, Ý, Đức (G7) bắt đầu cuộc họp trực tiếp đầu tiên cấp ngoại trưởng tại London (Anh) trong hai ngày 4 và 5-5 để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 6 tới ở tây nam nước Anh. Tham gia hội nghị còn có các đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Nam Phi.

Trọng tâm của cuộc họp cấp ngoại trưởng lần này là bàn về những đối sách chung trước những mối đe dọa mang tính toàn cầu. Theo AFP, bên cạnh việc bàn các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế, vấn đề Trung Quốc, Myanmar, Libya và Syria… là những chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Ngoài ra, vấn đề quan hệ với Nga cũng như các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran cũng được đề cập cụ thể.

Đáng chú ý, bên lề hội nghị diễn ra nhiều cuộc gặp song phương. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có một loạt cuộc tiếp xúc song phương với các đồng nghiệp để thông báo chính sách mới của Washington đối với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vừa được Tổng thống Joe Biden trình bày trước Quốc hội Mỹ cách đây ít ngày, nhân 100 ngày ông trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Theo AFP, trong các cuộc tiếp xúc, ông Blinken và các đồng nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản đã thống nhất với nhau về mục tiêu chung là tiến tới giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Còn Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian. Bộ Ngoại giao Anh cho biết, hai ngoại trưởng đã thảo luận về tầm quan trọng của hợp tác trước Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đặc biệt là về tài chính, khí hậu quốc tế.

Hai bên nhấn mạnh cần bảo đảm hành động đầy tham vọng để bổ sung quan hệ đối tác toàn cầu về giáo dục, hợp tác song phương để giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp giữa hai nước và hợp tác chặt chẽ trước những thách thức mà vấn đề di cư bất hợp pháp đặt ra.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Anh có đoạn: “Hai bộ trưởng nhất trí về sức mạnh của quan hệ đối tác Anh - Pháp và thảo luận cách thức phối hợp với nhau để giải quyết các mối quan tâm chung, bao gồm biến đổi khí hậu, cung cấp vắc-xin và sức khỏe toàn cầu”.

Bộ Tài chính Anh cũng cho biết, bộ trưởng bộ này - ông Rishi Sunak - sẽ chủ trì cuộc họp trực tiếp lần đầu tiên trong một năm qua với sự tham gia của những người đồng cấp và thống đốc ngân hàng trung ương G7 tại London vào ngày 4 và 5-6 trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7.

“Cuộc họp tháng 6 sẽ tìm cách thúc đẩy những ưu tiên của các nhà lãnh đạo G7 về phục hồi kinh tế toàn cầu xanh và toàn diện, bảo vệ việc làm, cũng như hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương phục hồi từ đại dịch Covid-19”, thông báo của Bộ Tài chính Anh nêu rõ.

Có thể nói, chưa bao giờ mà hàng loạt mối đe dọa mang tính toàn cầu lại diễn ra cùng một lúc như hiện nay, nổi bật là hậu quả của đại dịch Covid-19 và “sự trỗi dậy không hòa bình” của Trung Quốc. Do vậy, việc G7 tìm kiếm các đối sách thích hợp để hóa giải những thách thức đó nhằm ổn định an ninh, hòa bình và phục hồi, dẫn dắt nền kinh tế thế giới phát triển sẽ không kém phần gay go, phức tạp, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đe dọa nghiêm trọng.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.