Ngăn chặn biến thể SAR-CoV-2 lây lan

.

Biến thể Delta hiện lây lan ra hơn 100 quốc gia/vùng lãnh thổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến châu Á và châu Phi. Trong khi đó, biến thể Kappa đang gây “báo động đỏ”, biến thể Lambda có thể kháng vắc-xin và lây lan nhanh hơn.

Tiêm vắc-xin Johnson & Johnson ngừa Covid-19 ở Hammanskraal, Nam Phi. Ảnh: AP
Tiêm vắc-xin Johnson & Johnson ngừa Covid-19 ở Hammanskraal, Nam Phi. Ảnh: AP

Tính đến ngày 1-7, thế giới có tổng cộng 187,3 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 4 triệu ca tử vong, theo trang thống kê worldometers. Covid-19 tác động đến 220 quốc gia/vùng lãnh thổ; trong đó, biến thể Delta lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ đã lan ra hơn 100 quốc gia/vùng lãnh thổ. Hãng tin AFP dẫn lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, thế giới đang ở thời điểm nguy hiểm của đại dịch do sự xuất hiện của biến thể Delta. Chỉ trong tuần qua, số ca nhiễm mới trên toàn cầu tăng 10%, trung bình 450.000 ca/ngày.

Tại châu Á, Indonesia đang là điểm nóng nhất, với hơn 38.000 ca nhiễm mới/ngày, cao gấp 6 lần so với một tháng trước đó. Theo AP, quốc gia Đông Nam Á này hiện có hơn 2,4 triệu ca nhiễm và 64.600 ca tử vong, riêng ngày 9-7 có hơn 38.000 ca nhiễm mới và 871 ca tử vong. Chính phủ Indonesia sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế khẩn cấp ở 15 thành phố như đã từng làm với Bali và Java.

Malaysia và Thái Lan ngày 9-7 cũng ghi nhận hơn 9.100 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước tới nay. Hãng tin Yonhap cho hay, Hàn Quốc có hơn 1.300 ca mới/ngày trong 3 ngày liên tiếp và được dự báo sẽ tăng lên hơn 2.100 ca mới/ngày vào cuối tháng này. Từ ngày 12-7, Hàn Quốc nâng mức độ hạn chế ở thủ đô Seoul và một số khu vực lân cận như Gyeonggi và Incheon trong vòng 2 tuần. Còn Nhật Bản áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ tư tại thủ đô Tokyo đến cuối tháng 8.

Đáng lưu ý, Ấn Độ đang vừa ứng phó với biến thể Delta và Delta Plus, vừa lo ngại chủng đột biến Kappa có thể nguy hiểm ngang với biến thể Delta. Mới đây, bang Uttar Pradesh đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm Kappa - biến thể kép của SARS-CoV-2. Theo Reuters, các nhà khoa học chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến thể Kappa, nhưng các xét nghiệm ban đầu cho thấy loại biến thể này không khác nhiều so với biến thể Delta.

Tại châu Phi, với tổng cộng hơn 5,9 triệu ca nhiễm và 151.000 ca tử vong, khu vực này đang ứng phó với “tốc độ và quy mô của làn sóng lây nhiễm thứ ba chưa từng thấy”. 16 quốc gia ở “lục địa đen” đang chứng kiến số ca mắc mới tăng, trong đó 10 nước ghi nhận sự xuất hiện biến thể Delta.

Nam Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 2,1 triệu ca nhiễm và 64.100 ca tử vong. Hãng tin AP cho biết, số ca nhiễm mới ở Nam Phi tăng lên mức kỷ lục 2.600 ca vào cuối tuần qua. Chính phủ nước này đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế, trong đó có việc đóng cửa các nhà hàng, bar, đồng thời thúc đẩy tiêm đủ vắc-xin cho 60 triệu dân. Nước láng giềng Zimbabwe tiến hành phong tỏa trở lại từ ngày 6-7. Congo, Rwanda, Senegal và Zambia cũng có số ca nhiễm mới gia tăng. TS. Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO tại châu Phi nhận định: “Lục địa đen” vừa trải qua một tuần thảm khốc nhất của dịch bệnh, nhưng kịch bản xấu hơn vẫn chưa xảy ra trong lúc làn sóng thứ ba tiếp tục di chuyển nhanh.

Cũng theo WHO, biến thể Lambda đến nay có mặt tại 29 quốc gia/vùng lãnh thổ, đặc biệt là khu vực Nam Mỹ. Hồi tháng 6, WHO xếp Lambda vào danh sách “đáng quan tâm” vì biến thể này có thể kháng vắc-xin ngừa Covid-19 và gia tăng khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Delta. Trong mối lo ngại sự lây lan của các biến thể, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và quan trọng là tăng tốc tiêm vắc-xin.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.