WHO: Chưa cần tiêm mũi vắc-xin Covid-19 thứ ba

.

Bất kể những nỗ lực “thuyết khách” của hãng sản xuất vắc-xin Pfizer với chính phủ Mỹ ngày 12-7 rằng cần tiêm mũi thứ ba để củng cố hiệu quả phòng bệnh, các cơ quan quản lý y tế Mỹ cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều khẳng định lúc này chưa phải là thời điểm tiêm vắc-xin nhắc lại/vắc-xin tăng cường.  

WHO kêu gọi các nước giàu không nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tăng cường do nhiều nước trên thế giới hiện chưa có vắc-xin. Ảnh: Getty Images
WHO kêu gọi các nước giàu không nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tăng cường do nhiều nước trên thế giới hiện chưa có vắc-xin. Ảnh: Getty Images

Sự lây lan của biến thể Delta (lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ) làm dấy lên lo ngại liệu các loại vắc-xin phổ biến hiện nay có đủ khả năng bảo vệ người được tiêm hay không.

Phải căn cứ vào khoa học và dữ liệu

Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia cho rằng, cần tiêm thêm một mũi nhắc lại nếu có sự gia tăng đáng kể về số ca nhập viện hoặc tử vong ở những người đã tiêm đầy đủ. Tuy nhiên, WHO kêu gọi các nước giàu đang có dư nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 nên chia sẻ với các nước có thu nhập thấp, thay vì triển khai mũi tiêm thứ ba. Khuyến nghị được WHO đưa ra trong bối cảnh dư luận một số nước thắc mắc rằng, có cần tiêm thêm mũi vắc-xin nhắc lại cho những người đã tiêm đủ hai liều vắc-xin của Pfizer/BioNTech, Moderna hay AstraZeneca hay không. Ngày 12-7, Israel triển khai mũi tiêm thứ ba cho người dân, trước hết là với nhóm người cao niên và những người có hệ miễn dịch dễ tổn thương như những người ghép tạng. Trước đó, từ đầu tháng 7, Nga cho tiêm nhắc lại đối với những ai đã hoàn thành tiêm chủng cách đây 6 tháng.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12-7, nhà khoa học chính của WHO, bà Soumya Swaminathan nhấn mạnh: “Lúc này, chưa có chứng cứ khoa học nào cho thấy các mũi nhắc lại là thực sự cần thiết”. Bà Soumya Swaminathan cho biết, WHO sẽ đưa ra những khuyến nghị về các mũi tiêm nhắc lại nếu cần thiết, nhưng một chỉ dẫn như vậy “phải căn cứ vào khoa học và dữ liệu, không phải chỉ dựa vào các công ty tuyên bố rằng lúc này cần tiêm thêm liều bổ sung”.

TS. Michael Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, cũng cảnh báo: “Chúng ta sẽ nhìn lại trong sự giận dữ, và tôi nghĩ chúng ta sẽ nhìn lại trong sự xấu hổ” nếu các nước giàu không chịu chia sẻ nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19”. Tại cuộc họp báo ngày 12-7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định cơ quan y tế này đang đưa ra những lựa chọn hoàn toàn lý trí, dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải để nhằm bảo vệ những người đang cần vắc-xin ngừa Covid-19. Người đứng đầu WHO không ngại nói thẳng ra vấn đề cốt lõi dẫn tới tình trạng bất bình đẳng vắc-xin nghiêm trọng hiện nay là do “sự tham lam” của các nước giàu. Ông Tedros nhấn mạnh, ưu tiên ngay lúc này là phải tiêm vắc-xin cho những người vẫn chưa thể tiếp cận được mũi nào.

Tạo điều kiện tiếp cận công bằng vắc-xin

Ngày 8-7, Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm (FDA), Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ phát thông báo chung khẳng định những người đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19 “không cần tiêm thêm mũi thứ ba vào thời điểm này”. FDA và CDC Mỹ nhấn mạnh: “Những người tiêm đủ vắc-xin được bảo vệ khỏi nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong vì Covid-19, bao gồm cả việc phòng ngừa trước các biến thể virus hiện nay đang lan tràn trên cả nước như Delta”.

Cả Pfizer/BioNTech và Moderna đều đồng ý tham gia cung cấp vắc-xin cho cơ chế COVAX - sáng kiến do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn nhằm tạo điều kiện tiếp cận công bằng vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu, đặc biệt với các nước nghèo, các nước có thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo AP, phần lớn số liều đã sản xuất của các công ty này đều đang nằm trong kho vắc-xin của các nước giàu. “Chỉ 0,3% số liều (vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna) được phân phối tại các nước thu nhập thấp”, báo New York Times nêu rõ.

Cơ chế COVAX thời gian qua hoạt động rất chật vật, chiến dịch tiêm chủng tại gần 60 nước nghèo hầu như bị đình trệ vì các nhà cung cấp chính của họ không thể gửi thêm liều vắc-xin nào cho tới cuối năm nay. Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc WHO, sau 10 tuần giảm số ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới, số người chết vì đại dịch theo ngày lại bắt đầu tăng và biến thể Delta là nguyên nhân chính gây ra các đợt bùng dịch hiện nay.

TRẦN ĐẮC LUÂN

“Thay vì Moderna và Pfizer ưu tiên nguồn cung vắc-xin cho các mũi tiêm tăng cường dành cho các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, chúng tôi cần họ dồn toàn bộ nguồn cung đó cho COVAX, cho sáng kiến Africa Vaccine Acquisition Task Team (AVATT - cơ chế vận động nguồn lực tài chính để mua và phân bổ vắc-xin ngừa Covid-19 cho 400 triệu dân châu Phi - PV), cho các nước thu nhập thấp và trung bình đang có độ bao phủ vắc-xin rất thấp”
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

 

;
;
.
.
.
.
.