Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 433.000 ca mắc Covid-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 243 triệu ca, trong đó trên 4,94 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Covid-19 của hãng Moderna cho người dân tại New York, Mỹ, ngày 10-1-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 65.000 ca), Anh (52.009 ca) và Nga (36.339 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.257 ca), Nga (1.036 ca) và Ukraine (546 ca).
Trong các khu vực, tình hình dịch bệnh ở châu Âu có diễn biến nghiêm trọng nhất. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu trong tuần qua ghi nhận số ca nhiễm mới tăng 7% so với tuần trước đó và là khu vực duy nhất trên thế giới dịch bệnh đang có chiều hướng tăng.
Theo báo cáo tuần về tình hình dịch Covid-19 được WHO công bố ngày 20-10, trong tuần từ 11 đến 17-10, toàn thế giới ghi nhận hơn 2,7 triệu ca mắc mới và 46.000 ca tử vong, giảm tương ứng 4% và 2% so với tuần trước đó.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tính theo khu vực địa lý, châu Âu là trường hợp ngoại lệ khi số ca mắc mới trong tuần tăng 7% so với tuần trước, với tổng số 1,3 triệu ca mắc. Đây là tuần thứ ba liên tiếp châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng. Hơn một nửa các quốc gia tại châu Âu có số ca mắc trong tuần tăng. Đặc biệt, diễn biến dịch bệnh xấu đi tại Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân chủ yếu khiến số ca mắc ở châu Âu tăng.
Trong tuần, châu Phi là khu vực có số ca mắc mới giảm mạnh nhất (18%), kế đó là Tây Thái Bình Dương (giảm 16%). Châu Phi cũng là khu vực ghi nhận số ca tử vong giảm nhiều nhất trong tuần (giảm 25%), kế đến là Đông Nam Á (19%) và Đông Địa Trung Hải (8%). Số tử vong ở các khu vực còn lại không thay đổi so với tuần trước đó.
Tính theo từng quốc gia, Mỹ là nước có số ca nhiễm mới trong tuần cao nhất (582.707 ca, giảm 11% so với tuần trước), kế đến là Anh (283.756 ca, tăng 14%), Nga (217.322 ca, tăng 15%), Thổ Nhĩ Kỳ (213.981 ca, tương đương tuần trước) và Ấn Độ (114.244 ca, giảm 18%).
Nga tái phong tỏa thủ đô Moskva
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Moskva, Nga, ngày 20-10-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 21-10, Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin, thông báo thành phố này sẽ áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa từ ngày 28-10 để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 với số ca mắc mới tăng cao.
Theo đó, tất cả các cửa hiệu, quán bar và nhà hàng đều sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ những địa điểm bán hàng hóa thiết yếu như siêu thị và nhà thuốc. Trước đó, ngày 20-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép đóng cửa các cơ quan, công sở trên cả nước từ ngày 30-10-7-11 và cho phép các địa phương bổ sung các biện pháp khác tùy tình hình dịch bệnh.
Ngày 21-10 Nga tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc mới và số ca tử vong do Covid-19, với 36.339 ca mắc mới và 1.036 ca tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua. Đến nay Nga đã ghi nhận tổng cộng trên 8,13 triệu ca mắc Covid-19, trong đó trên 227.300 ca tử vong.
Trong khi đó, Nga cũng thông báo một số ca nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là dễ lây nhiễm hơn cả biến thể Delta.
Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao của Cơ quan giám sát tiêu dùng quốc gia, Kamil Khafizov cho biết có khả năng biến thể AY 4.2 này sẽ lây lan rộng, có thể khiến số ca mắc mới Covid-19 ở Nga - hiện ở mức cao kỷ lục - tăng hơn nữa.
Biến thể AY 4.2 là biến thể phụ của Delta. Ông Khafizov cho rằng AY 4.2 cuối củng có thể thay thế biến thể Delta, mặc dù tiến trình này có thể sẽ diễn ra chậm.
Tình hình dịch Covid-19 tại Ukraine tiếp tục xấu đi
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 tại Kiev, Ukraine, ngày 9-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 21-10, Ukraine ghi nhận số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 cao nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, Ukraine ghi nhận 22.415 ca mắc mới và 546 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua. Trước đó, nhà chức trách nước này đã nỗ lực tìm nguồn cung vắc-xin và thuyết phục người dân tiêm vắc-xin phòng bệnh nhưng tỷ lệ tiêm vẫn thấp.
Tuy nhiên, kể từ khi Ukraine áp dụng các biện pháp hạn chế mới tại các vùng dịch bệnh phức tạp, theo đó người dân phải có chứng nhận tiêm phòng mới được đến những địa điểm công cộng như trường học và rạp chiếu phim, thì số người tiêm phòng đã tăng đáng kể.
Trong 24 giờ qua, Ukraine ghi nhận 251.254 người tiêm vắc-xin phòng Covid-19, con số cao nhất kể từ khi nước này triển khai chiến dịch tiêm phòng hồi tháng 2 vừa qua. Ngoài chứng nhận tiêm phòng, nhà chức trách cũng yêu cầu người dân trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus khi đi lại trong nước, sử dụng xe buýt, tàu hỏa và máy bay.
Hiện Ukraine sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer và Moderna, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 19% người trưởng thành tại nước này tiêm phòng đầy đủ.
Tại nước này cũng xảy ra tình trạng giả mạo giấy chứng nhận tiêm phòng và kết quả xét nghiệm âm tính. Đến nay, Ukraine đã ghi nhận hơn 2,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 62.000 ca tử vong.
Đức ghi nhận tỷ lệ mắc mới tăng khi tốc độ tiêm chủng chậm lại
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đức ghi nhận tỷ lệ ca mắc mới Covid-19 trên cả nước tăng lên hơn 80 ca-100.000 người trong 7 ngày qua. Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 tuần, tỷ lệ ca mắc mới tính trên 100.000 dân ở Đức vượt con số 80 ca.
Số liệu thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho biết tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày, tính đến 13-10, tại bang Thüringen thậm chí đã lên tới 103-100.000 người. Trong 7 ngày tiếp theo, tính đến ngày 20-10, tỷ lệ này đã tăng lên 163-100.000 người, khiến bang Thüringen trở thành bang có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất cả nước.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh, các nhà dịch tễ học dự đoán sự gia tăng số ca mắc mới Covid-19 hiện tại chủ yếu do tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đang chững lại. Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Đức Christian Drosten hồi cuối tháng 9 cảnh báo rằng tình trạng lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng ở các bang phía Đông. Nếu điều tương tự xảy ra ở những khu vực khác, Đức có thể sẽ trải qua một mùa Đông khó khăn.
Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện còn khoảng 3 triệu người trên 60 tuổi ở Đức vẫn chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Giới chức y tế cho rằng mặc dù những người đã tiêm phòng vẫn có thể mắc và truyền virus, nhưng họ ít có nguy cơ lây nhiễm hơn những người chưa tiêm và khi bị nhiễm ít khả năng phải nhập viện.
Latvia trở thành nước EU đầu tiên phong tỏa trở lại
Một điểm tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 tại Ventspils, Latvia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 21-10, Latvia đã trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Theo đó, các cửa hàng không thiết yếu, rạp chiếu phim, tiệm cắt tóc và nhà hát phải đóng cửa trong một tháng. Hiện Latvia là quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất thế giới, với tỷ lệ lây nhiễm trung bình ghi nhận trong 14 ngày gần nhất là 1.406 ca-100.000 dân (theo AFP). Các quốc gia láng giềng ở khu vực Baltic như Litva và Estonia đứng ngay sau Latvia với tỷ lệ lần lượt là 1.221 ca và 1.126 ca-100.000 dân.
Hiện mới chỉ có khoảng 50% dân số Latvia tiêm phòng đầy đủ, thấp thứ 4 tại EU, sau Bulgaria, Romania và Croatia. Biện pháp phong tỏa có hiệu lực đến hết ngày 15-11, sẽ bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 20 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau; các nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi. Hầu hết người lao động được yêu cầu làm việc từ xa, đồng thời các trường học cũng chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, chỉ có trẻ mẫu giáo và trẻ từ lớp 1 đến lớp 3 được học tại trường.
Các bệnh viện tại Latvia đã phải tạm dừng tiếp nhận các bệnh nhân ung thư và các bệnh khác để tập trung nguồn lực chữa trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Hồi đầu tháng này, Latvia cũng đã ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia trong 3 tháng để thúc đẩy quy định đeo khẩu trang và tiêm phòng.
Trung Quốc hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa trường học do đợt dịch Covid-19 mới
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 27-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhà chức trách Trung Quốc đã hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa các trường học và tăng cường xét nghiệm đại trà trong ngày 21-10 nhằm tăng cường kiểm soát một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới liên quan một nhóm khách du lịch.
Trung Quốc đã duy trì cách tiếp cận "Zero Covid" với các biện pháp đóng cửa biên giới nghiêm ngặt và phong tỏa phạm vi hẹp. Theo đó, Trung Quốc đã loại bỏ được phần lớn các đợt bùng phát dịch trong nước, song các ca mắc mới Covid-19 đã xuất hiện ngày thứ 5 liên tiếp ở nước này - chủ yếu ở các khu vực phía Bắc và Tây Bắc, nên nhà chức trách đã tăng cường các biện pháp nhằm sớm kiểm soát dịch. Theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ngày 21-10 nước này ghi nhận thêm 13 ca mắc mới Covid-19.
Đợt bùng phát dịch mới nhất liên quan đến một cặp vợ chồng cao tuổi trong một nhóm khách du lịch. Ban đầu họ ở Thượng Hải, sau đó bay đến 3 địa điểm gồm thành phố Tây An, tỉnh Cam Túc và Khu tự trị Nội Mông. Hàng chục trường hợp được xác định có liên quan tới cặp vợ chồng này, với các tiếp xúc gần tại ít nhất 5 tỉnh và khu vực, trong đó có thủ đô Bắc Kinh.
Trước tình hình trên, các chính quyền địa phương đã triển khai xét nghiệm hàng loạt, đóng cửa các danh lam thắng cảnh, các địa điểm du lịch, trường học và các địa điểm vui chơi giải trí tại các khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi nhỏ đối với các khu nhà dân.
Trong danh sách một số vùng có Lan Châu ở miền Tây Bắc Trung Quốc với khoảng 4 triệu dân. Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không rời khỏi địa phương nếu không có việc cấp thiết.
Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi hàng không VariFlight, các sân bay tại những khu vực bị ảnh hưởng đã hủy hàng trăm chuyến bay. Khoảng 60% số chuyến bay đến hai sân bay chính ở Tây An và Lan Châu bị hủy.
Ấn Độ đã tiêm trên 1 tỷ liều vắc-xin
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 21-10-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chín tháng sau khi phát động chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, Ấn Độ đã vượt ngưỡng tiêm 1 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19.
Số liệu mới nhất trên nền tảng tiêm chủng COWIN của Ấn Độ cho thấy tính đến 11h ngày 21-10 đã có 708,4 triệu người dân nước này tiêm 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 và 292 triệu người tiêm mũi hai, tương đương khoảng 21% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu tiêm đủ liều cho toàn bộ dân số trưởng thành vào cuối năm.
Hiện Covishield và Covaxin là hai vắc-xin chủ lực trong chương trình tiêm phòng Covid-19 của Ấn Độ. Nguồn cung hai loại vắc-xin này khá dồi dào khi Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đang sản xuất 220 triệu liều Covishield-tháng, tăng từ 150 triệu trong tháng 8. Trong khi đó, công ty Bharat Biotech đang cung cấp 30 triệu liều Covaxin-tháng và dự kiến con số này sẽ tăng lên 50 triệu trong tháng tới.
Thủ tướng Israel họp khẩn với giới chức y tế về biến thể AY4.2
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại Modi'in, Israel, ngày 19-10-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã họp khẩn với giới chức y tế nước này ngay trong đêm 20-10 để thảo luận biến thể phụ của chủng Delta.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Chính phủ Israel thông báo sẽ tiến hành mọi biện pháp nhằm bảo vệ thành quả trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Thủ tướng Bennett yêu cầu tăng cường điều tra dịch tễ đối với biến thể phụ, yêu cầu liên lạc chặt chẽ với các nước đã phát hiện biến thể phụ này. Theo ông Bennett, Israel sẽ cân nhắc thay đổi các yêu cầu nhập cảnh đối vớ du khách.
Trước đó cùng ngày, quan chức cấp cao Bộ Y tế Israel, Nachman Ash cho biết biến thể AY4.2 dễ lây lan hơn biến thể Delta gốc, nhưng chưa đáng lo ngại.
Hôm 19-10, Bộ Y tế Israel xác nhận nước này đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY4.2. Ca nhiễm là một bé trai 11 tuổi, được phát hiện khi xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế Ben Gurion, ngoại ô Tel Aviv, khi vừa về nước từ Moldova.
Thành phố Melbourne (Australia) chuẩn bị dỡ bỏ đợt phong tỏa dài nhất thế giới
Một quán bar tại thành phố Melbourne, Australia chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, ngày 21-10-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Từ ngày 22-10, thành phố Melbourne, thành phố lớn thứ hai tại Australia, sẽ kết thúc 262 ngày phong tỏa, quãng thời gian phong tỏa lâu nhất trên thế giới, khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của bang Victoria đạt mục tiêu 70%.
Hàng triệu người dân thành phố Melbourne đang chờ đợi đến thời điểm thành phố dỡ phong tỏa sau 24 giờ ngày 21-10, trong khi đó các nhà hàng, quán rượu, tiệm cà phê cũng đang gấp rút chuẩn bị để mở cửa trở lại tiếp đón những khách hàng đã tiêm chủng đầy đủ.
Theo quy định mới, kể từ 0 giờ ngày 22-10, các cơ sở kinh doanh đồ uống nói trên sẽ được phép phục vụ trong nhà tối đa 20 khách đã tiêm đủ liều và 50 khách ở ngoài trời, trong khi các hiệu làm tóc được phép đón tiếp tối đa 5 người.
Thành phố Melbourne đã phải trải qua đợt phong tỏa lần thứ 6 kể từ đầu tháng 8-2021 nhằm dập tắt dịch Covid-19 bùng phát do biến thể siêu lây nhiễm Delta. Giới chức đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trước khi nơi lỏng các quy định hạn chế tại bang.
Theo truyền thông Australia, tính đến ngày 21-10, hơn 5 triệu người dân thành phố đã thực hiện lệnh phong tỏa trong tổng cộng 262 ngày, tương đương gần 9 tháng kể từ tháng 3-2020. Đây là khoảng thời gian phong tỏa dài nhất thế giới, vượt qua thủ đô Buenos Aires của Argentina với thời gian 234 ngày.
Trước đó, chính quyền bang Victoria cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đối với người trên 16 tuổi đạt 70 %.
Ngày 21-10, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã ghi nhận nỗ lực phòng chống dịch tại bang Victoria và cho biết sẽ thực hiện lộ trình nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch dựa trên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại bang này, ít nhất là từ 80% trở lên.
Australia đã từ bỏ chiến lược “zero Covid-19” và đang dần hướng tới “sống chung với Covid-19” nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng cao khi làn sóng Covid-19 thứ 3 bùng phát do biến chủng Delta kể từ giữa tháng 6 vừa qua.
Đến nay, Australia ghi nhận khoảng 152.000 ca mắc Covid-19 và 1.590 ca tử vong, con số tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác.
Theo Báo Tin tức