Nỗi lo không ngừng tăng lên về suy giảm kinh tế toàn cầu đang phủ bóng lên triển vọng phục hồi kinh tế châu Á khi tốc độ tăng trưởng sản xuất của các nhà máy ở một số nền kinh tế nổi bật có dấu hiệu chững lại. Thực tế này tạo áp lực không nhỏ lên các nhà hoạch định chính sách khi thực thi nhiệm vụ kép - vừa thúc đẩy hoạt động kinh tế và thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát tăng vọt.
Sản xuất ở một số quốc gia châu Á bị ảnh hưởng do chi phí nguyên vật liệu tăng cao. TRONG ẢNH: Trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ở Tokyo. Ảnh: Reuters |
Theo The Straits Times, hoạt động sản xuất, đặc biệt là tại Nhật Bản và Úc đang chậm lại đáng kể do các nhà máy phải vật lộn với tình trạng khan hiếm nguồn cung, thiếu lao động và chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Tăng trưởng sản xuất chững lại
Hãng tin Reuters dẫn kết quả khảo sát về Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) - thước đo chủ chốt đánh giá hoạt động chế tạo được công bố ngày 22-7 cho thấy, hoạt động sản xuất ở Nhật Bản trong tháng 7 ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 10 tháng, báo hiệu nền kinh tế đang gồng mình chống chọi với tác động do làn sóng Covid-19 mới nhất gây ra. Tương tự, nhịp độ hoạt động sản xuất của nhà máy ở Úc cũng chậm lại với chỉ số PMI tháng 7 giảm xuống còn 55,7 từ mức 56,2 trong tháng trước. Sự trì trệ trong sản xuất cũng được ghi nhận tại một số nền kinh tế khác, đặc biệt là Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc).
Khảo sát nói trên cho thấy, các nhà sản xuất có quy mô lớn ở châu Á đang phải đối diện với những hạn chế về nguồn cung, chi phí nguyên liệu thô tăng vọt và nhu cầu toàn cầu suy giảm. Những yếu tố bất lợi này đang tạo ra rủi ro chính đe dọa đà phục hồi kinh tế của các nền kinh tế trong khu vực, theo nhận định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Reuters dẫn lời ông Marcel Thieliant, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn Capital Economics có trụ sở tại Anh cho biết: “PMI của tháng 7 cho thấy lĩnh vực sản xuất đang chậm lại khi nhu cầu suy yếu, trong khi làn sóng Covid-19 mới nhất bắt đầu tấn công lĩnh vực dịch vụ”.
Trước đó, vào tháng 5, sản lượng của các nhà máy tại Nhật Bản ghi nhận mức sụt giảm hàng tháng lớn nhất trong vòng 2 năm do tác động từ các đợt phong tỏa Covid-19 tại Trung Quốc và tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn cũng như các bộ phận khác phục vụ cho sản xuất. Cùng với đó, đồng yen của Nhật Bản lao dốc đã thúc đẩy chi phí nhập khẩu nhiên liệu của nước này gia tăng, vốn chủ yếu được thanh toán bằng USD. Giữa tháng 7, tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 24 năm.
“Bước lùi nhỏ” đáng ngại
Theo hãng Bloomberg, Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng gần như chững lại trong quý 2-2022, qua đó tiếp tục giáng đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu vốn đang vật lộn với lạm phát tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ; khủng hoảng ở Ukraine và diễn biến khó đoán của dịch bệnh. Theo các nhà kinh tế tại công ty tài chính Nomura Holdings, Inc. (Nhật Bản), Trung Quốc đang chịu tác động của “chu kỳ kinh doanh Covid”. Theo đó, số ca nhiễm tăng dẫn đến việc đóng cửa doanh nghiệp. Song, một khi các ca nhiễm giảm xuống, các gói kích thích của chính phủ sẽ giúp nền kinh tế hồi phục, nhưng điều đó lại có thể dẫn đến một đợt lây nhiễm mới.
Tăng trưởng trì trệ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phần nào khiến Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo mức tăng GDP của toàn bộ khu vực châu Á và Thái Bình Dương xuống còn 4,6%, thấp hơn so với mức dự báo 5,2% được đưa ra hồi tháng 4. ADB cho biết, kinh tế của Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chỉ 4% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mực tiêu 5,5 của chính phủ. GDP Ấn Độ cũng bị giảm từ 7,5% xuống còn 7,2%.
Dự báo lạm phát cho các nước đang phát triển tại châu Á được điều chỉnh từ 3,7% lên 4,2% vào năm 2022 và từ 3,1% lên 3,5% vào năm 2023, do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Tuy nhiên, xét tổng thể, áp lực lạm phát trong toàn khu vực vẫn thấp hơn các nơi khác trên thế giới. Kinh tế trưởng của ADB Albert Park nhận định, tác động của đại dịch lên kinh tế đã giảm trên hầu hết khu vực châu Á nhưng còn lâu các nước mới đạt được “trạng thái phục hồi hoàn toàn và bền vững”.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới bước vào cuộc đua nâng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây để “hãm phanh” lạm phát đang tăng vọt ở phạm vi toàn cầu. Theo Reuters, châu Á đang chậm một nhịp trong việc bắt kịp xu thế chung về tăng lãi suất. Các ngân hàng trung ương ở châu Á vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, phần nào dẫn đến suy yếu tiền tệ và dòng vốn của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, động thái nâng lãi suất chẳng khác gì “con dao hai lưỡi” bởi có thể khiến tăng trưởng kinh tế suy giảm khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng với các kế hoạch sản xuất, kinh doanh do lo ngại chi phí bị đẩy lên cao.
THƯ LÊ