Chiến trường sinh tử

Cuộc chiến ở Syria suốt 7 năm qua được ví như “cuộc chiến tranh thế giới thứ 3” thu nhỏ vì có sự tham gia của hầu hết các cường quốc trong khu vực lẫn thế giới. Vì vậy, trận chiến sắp tới ở Idlib được coi là “chiến trường sinh tử” để đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột đẫm máu gây thương vong cả triệu người, nhưng cũng là cuộc đấu trí của các cường quốc.

Idlib nằm ở tây bắc Syria, giáp Thổ Nhĩ Kỳ, nơi còn khoảng 2,5 triệu thường dân bị mắc kẹt. Idlib là vùng lãnh thổ lớn nhất của Syria vẫn do phe nổi dậy kiểm soát kể từ năm 2015. Khoảng 60% diện tích của tỉnh này hiện do liên minh thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham kiểm soát và phần còn lại do các phe nhóm đối lập chiếm giữ.

Sau khi giành lại quyền kiểm soát tỉnh Daraa, quân chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của lực lượng Nga từ vài tháng qua đã chuẩn bị chiến dịch then chốt nhằm giải phóng Idlib. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh tìm mọi cách ngăn cản.

Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Iran, Nga không nên “liều lĩnh tấn công” Idlib để tránh “hàng trăm nghìn người có thể sẽ thiệt mạng”. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Chỉ nói ra vài lời cảnh báo, mà không tính đến nguy cơ rất nguy hiểm và tiêu cực đối với toàn bộ tình hình ở Syria thì có lẽ là sự tiếp cận không đầy đủ và không toàn diện”.

Thứ hai, Mỹ và phương Tây toan tính lý do để can thiệp quân sự với cái gọi là ngăn chặn thảm họa nhân đạo về “vũ khí hóa học”, tương tự chiến dịch không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria ngày 14-4 vừa qua, cũng với cáo buộc lực lượng chính phủ tấn công hóa học ở Douma, Đông Ghouta.

Thứ ba, Mỹ củng cố các căn cứ quân sự đang có ở phía bắc Syria. Washington và các đồng minh đang gấp rút điều hàng chục tàu chiến, tàu ngầm, các lực lượng không quân tại khu vực xung quanh Syria để vừa răn đe, vừa có thể hành động ngay lập tức nếu các quyền lợi của Mỹ ở đây bị ảnh hưởng. Tàu ngầm hạt nhân lớn nhất chứa nhiều tên lửa, cùng tàu sân bay, tàu chiến của Mỹ đã có mặt tại khu vực Trung Đông.

Thứ tư, đáng lưu ý là việc đẩy mạnh trang bị khí tài cho các phần tử khủng bố và lực lượng chống chính phủ Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, các nhà bảo trợ nước ngoài đã chuyển cho lực lượng khủng bố ở Syria vũ khí tối tân, trong đó có máy bay không người lái, thông qua các công ty “ma”. Theo đánh giá của Nga: “Sự kháng cự của khủng bố ở Syria vẫn chưa bị đập tan. Các nhóm khủng bố rải rác tiếp tục chiến đấu ác liệt. Các phiến quân không thiếu thốn vũ khí và đạn dược. Hơn nữa, chúng còn sử dụng các loại vũ khí tối tân như máy bay không người lái. Rõ ràng, điều này không thể xảy ra nếu không có các nhà tài trợ nước ngoài. Chiến dịch chống khủng bố tại Syria đã phơi bày nhiều bằng chứng cho thấy các công ty ma, thông qua những nước thứ ba, đã cung cấp nhiều loại vũ khí và khí tài cho các phần tử khủng bố”.

Để hỗ trợ Syria, Nga đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn nhất trên biển Địa Trung Hải, ngoài khơi Syria. Đồng thời, Moscow cũng cung cấp thêm nhiều thiết bị quân sự cho quân đội Damascus.

Trong khi đó, Iran kêu gọi cần “quét sạch” các tay súng tại Idlib. Ngày 3-9, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif dẫn đầu phái đoàn ngoại giao đến Damascus và hội kiến với Tổng thống Assad nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ về Syria vào ngày 7-9. Iran cũng cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng, kể cả tên lửa tầm xa cho quân đội Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, tình hình ở tỉnh Idlib không thể diễn ra vô thời hạn. Còn theo Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Tổng thống Assad đã giành chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Syria. Nhưng ông Le Drian cũng nhắc lại những lời đe dọa trả đũa của phương Tây nếu ông Assad sử dụng “vũ khí hóa học” trong chiến dịch giải phóng Idlib.

Vì thế, có thể nói Idlib là “chiến trường sinh tử” khi các cường quốc đang toan tính nước cờ cuối cùng trong cuộc nội chiến đẫm máu và cuộc chiến chống khủng bố vô cùng khốc liệt tại Syria. Xung đột tại Syria không còn là của riêng của người Syria, mà trở thành chiến trường cho các nước đối địch trong khu vực “tính toán” với nhau.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.