Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc thông qua thuế quan, để rồi hai bên ngồi vào bàn đàm phán và cuối năm 2019 đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, có hiệu lực đầu năm 2020.
Tuy nhiên, đầu năm 2020 cũng là thời điểm Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc, sau đó lan rộng ra toàn thế giới. Mỹ chịu tác động nặng nề nhất với hơn 4,7 triệu người nhiễm và 156.800 người tử vong. Mỹ cáo buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm chính vì thiếu minh bạch thông tin và xử lý thiếu trách nhiệm, khiến dịch bệnh lan ra thế giới. Nhất là trong lúc xảy ra đại dịch, Trung Quốc lại khuấy động sự bất an ở biên giới với Ấn Độ, rồi trên biển Hoa Đông, Biển Đông và ban hành luật an ninh Hong Kong…
Đặc biệt, Washington cho rằng, trong thời gian dài, Trung Quốc đã cưỡng ép các doanh nghiệp Mỹ để chuyển giao công nghệ, gia tăng các hoạt động gián điệp, đánh cắp công nghệ nhằm phục vụ mục tiêu tầm nhìn “Made in China 2025” đầy tham vọng.
Ngoài việc quyết đánh bật tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc là Huawei cùng nhiều tập đoàn công nghệ khác, mới đây Mỹ ra “tối hậu thư”: TikTok hoặc thuộc về Mỹ, hoặc phải ra đi. Tháng 7 vừa qua, Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán của Trung Quốc ở thành phố Houston vì coi đó là “ổ gián điệp” tổ chức các hoạt động đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 2 tin tặc người Trung Quốc Xiaoyu Li và Jiazhi Dong nhắm vào các sở hữu trí tuệ và thông tin thương mại bảo mật trong các lĩnh vực tư nhân, kể cả dữ liệu nghiên cứu Covid-19 liên quan đến điều trị, xét nghiệm và vắc-xin. Các tin tặc Trung Quốc còn nhắm vào các ngành công nghiệp như: ngành sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, phần mềm giáo dục kinh doanh và trò chơi, năng lượng mặt trời, ngành bào chế dược phẩm và quốc phòng...
Ngoài ra, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) còn truy bắt 4 người Trung Quốc khác bị cáo buộc che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, để có thị thực nhập cảnh cho phép họ theo học hay tiến hành nghiên cứu các ngành công nghệ mũi nhọn tại Mỹ từ y khoa đến trí thông minh nhân tạo.
Vụ bắt 2 tin tặc, Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia (Bộ Tư pháp Mỹ) John C. Demers nêu rõ: “Không ngạc nhiên, những vụ xâm nhập này nhắm vào các ngành công nghiệp được vạch ra trong kế hoạch “Made in China 2025” - kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc nhắm đến phát triển những ngành công nghiệp sản xuất công nghệ tiên tiến chiến lược… Những hành động xâm nhập trong trường hợp này chủ yếu nhắm vào 8/10 ngành công nghệ được xác định trong bản kế hoạch: Công nghệ thông tin thế hệ mới, robot và các loại máy móc công cụ tự động hóa, hàng không và các linh kiện hàng không, các loại tàu hàng hải, vật liệu mới, công nghệ sinh học và kỹ nghệ đường sắt”.
Theo đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ, hoạt động do thám, tin tặc, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đã có ít nhất từ 10 năm nay, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nước Mỹ. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao đến bây giờ Mỹ mới có những phản ứng mạnh mẽ như vậy?
Các nhà quan sát đánh giá, việc gây ầm ĩ lúc này chắc chắn cũng nhằm mục tiêu tái tranh cử của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là Covid-19 bùng phát khiến Mỹ và nhiều nước phương Tây giật mình tỉnh ngộ rằng đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, cũng như đã bị nước này bỏ xa trong nhiều ngành chiến lược, từ viễn thông đến không gian. Trong đại dịch này, Mỹ và phương Tây còn có nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt trong cuộc đua tìm kiếm vắc-xin ngừa Covid-19.
Chuyên gia về địa chính trị của Pháp ông François Costantini nói với kênh truyền hình RT (Russia Today) rằng, những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc còn nhằm chặn đà tiến “Made in China 2025”. Chuyên gia Costantini nhấn mạnh: “Đúng là hiện nay Mỹ muốn hạn chế bớt vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới. Thế nên, Mỹ chủ yếu nhắm vào ở những lĩnh vực có thể gây thiệt hại nhiều nhất. Những gì mà Mỹ nhận thấy từ ¼ thế kỷ nay là hầu như Trung Quốc xây dựng nên sức mạnh của mình nhờ vào thặng dư thương mại”.
Ở khía cạnh khác, chuyên gia về các vấn đề kỹ thuật số (Viện Quan hệ Quốc tế Pháp) Julien Nocetti cho rằng: “Tôi cho rằng những gì đang làm cho căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên xơ cứng, một phần lớn chính là vì vấn đề công nghệ kỹ thuật số”.
Có một điều chắc chắn mà nhiều nhà quan sát đều nhất trí rằng, bất kể kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 ra sao, cuộc đối đầu Mỹ -Trung hiện nay trên mặt trận “gián điệp”, mà đằng sau nó là thương mại và kỹ thuật số, vẫn là chủ đề duy nhất mà cả hai ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump đều có cùng một quan điểm.
TUYẾT MINH