Xét tuyển đại học năm 2018: Bỏ điểm sàn có ảnh hưởng đến chất lượng?

.

Một trong những điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay được các trường và người học quan tâm nhất là Bộ GD-ĐT sẽ giao cho các trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cùng với yêu cầu công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Điều này liệu có dẫn đến tình trạng tuyển sinh ồ ạt ảnh hưởng đến chất lượng xét tuyển?

Thí sinh tìm hiểu về các trường đại học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh ở thành phố Đà Nẵng.
Thí sinh tìm hiểu về các trường đại học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh ở thành phố Đà Nẵng.

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) năm nay tuyển 2.584 chỉ tiêu, với 34 ngành đào tạo; ngoài ra còn có 300 chỉ tiêu đặc thù ngành Công nghệ thông tin. Nhà trường cũng áp dụng tiêu chí phụ đối với thí sinh bằng điểm nhau theo hướng ưu tiên theo thứ tự môn xét tuyển trong tổ hợp.

Thầy Phan Đức Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường cho biết, đối với ngành Sư phạm (444 chỉ tiêu), hiện trường phải chờ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT theo đề xuất điểm chuẩn từ 7 trường đại học sư phạm trọng điểm trên cả nước.

Dù chưa có mức điểm chuẩn cụ thể nhưng dự kiến cũng phải từ 20 điểm trở lên. Đối với các ngành đào tạo cử nhân thì điểm bảo đảm chất lượng đầu vào phải có điểm môn thứ tự ưu tiên trong các tổ hợp xét tuyển từ 5 điểm trở lên.

“Việc cho các trường tự chủ động xây dựng ngưỡng bảo đảm chất lượng thay vì áp điểm sàn chung cho các trường trên cả nước là cách làm linh hoạt, giúp các trường có quyền chủ động; đồng thời, dù không giới hạn ngưỡng điểm đầu vào nhưng nếu trường nào hạ quá thấp thì cũng là cách tự hạ thấp mình đối với xã hội”, thầy Tuấn nói.

Dù chưa có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 nhưng Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng đã công bố ngay mức ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào là 16 điểm (ba môn, tương đương với mức điểm năm ngoái).

Năm nay, nhà trường tuyển sinh 38 ngành với dự kiến khoảng hơn 3.100 chỉ tiêu. Các tổ hợp xét tuyển gồm: Toán - Hóa học - Vật lý, Toán - Hóa học - Tiếng Anh, Toán - Vật lý - Tiếng Anh, Vẽ mỹ thuật - Toán- Ngữ văn...

Năm nay, nhà trường có thêm 5 ngành đào tạo chương trình chất lượng cao mới: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Cơ điện tử, Kỹ thuật nhiệt, Quản trị xây dựng, Kỹ thuật cơ khí. Tiến sĩ Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, với kỳ thi “2 chung” (thi tốt nghiệp và đại học cùng một lần), điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa.

Hiện đã có nhiều trường áp dụng xét tuyển đại học bằng học bạ THPT với điểm trung bình (3 năm lớp 10, 11 và 12) nên việc bỏ điểm sàn là hợp lý. “Mức ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào là 16, nhưng hầu hết các ngành của trường chúng tôi năm ngoái đều lấy điểm cao hơn.

Để cạnh tranh, các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt đầu ra, bảo đảm sinh viên ra trường có việc làm, đáp ứng yêu cầu thị trường”, thầy Vinh nói.

Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) năm nay dự kiến tuyển khoảng hơn 2.900 chỉ tiêu ở 16 ngành. Thầy Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường cho hay, điểm xét tuyển đầu vào sẽ công bố sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, nhưng nhìn chung cũng không thấp hơn điểm sàn của năm ngoái (năm ngoái điểm sàn là 15,5 điểm). Điểm xét tuyển vào ngành bằng tổng điểm 3 môn xét tuyển (không nhân hệ số) cộng với điểm ưu tiên tuyển sinh theo quy định của Bộ.

Năm nay, trường tuyển sinh hai ngành mới là Thống kê kinh tế và Thương mại điện tử (trước đây là chuyên ngành) đào tạo theo quy chế đặc thù với sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và theo quy định mới của Bộ GD-ĐT.

Theo thầy Huy, việc bỏ điểm sàn cũng khiến sự cạnh tranh giữa các trường gay gắt hơn, vì các trường sẽ phải thật cân nhắc khi nâng hoặc hạ điểm chuẩn trong tuyển sinh để giữ uy tín, thương hiệu của mình.

Theo một hiệu trưởng, mặc dù bỏ điểm sàn nhưng Bộ GD-ĐT cần điều tiết một cách quy mô thông qua công cụ được luật cho phép bằng cách định ra các tiêu chuẩn, đồng thời đẩy mạnh thanh kiểm tra để bảo đảm chất lượng đào tạo.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.