Không chỉ học qua truyền hình, học trực tuyến cũng khó triển khai đối với học sinh vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn. Bởi trên thực tế, nhiều khu vực chưa có điện chứ chưa nói đến sóng di động.
Nhiều nơi không điện, không sóng di động
Từ đầu tháng 4-2020, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông triển khai dạy học qua truyền hình. Một số trường đã cho giáo viên tổ chức dạy học trực tuyến (dạy học online) trong thời gian học sinh nghỉ học phòng chống dịch.
Tuy nhiên, do đặc thù là hai địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư phân bố rải rác, nhiều khu vực chưa có điện lưới, chưa có sóng di động… nên học qua truyền hình, học online đang “làm khó” nhiều học sinh hai tỉnh phía nam Tây Nguyên này.
Hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông đã triển khai dạy học qua truyền hình. |
Tranh thủ thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19, em Thào A Cú (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) lên rẫy phụ bố mẹ làm cà phê. Thôn của Cú sống mới được thành lập cách đây hơn 1 năm, chưa có điện lưới quốc gia kéo về, nằm sát bên hồ thủy điện Buôn Tua Srah và sóng di động cũng chỉ đủ để nghe, gọi.
Tính cả thôn, số nhà có tivi chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn hoạt động nhờ pin năng lượng mặt trời nên việc học qua truyền hình là chuyện không thể.
Cú cho biết, ban ngày thì đi phụ bố mẹ trên rẫy, tận tối mới về đến nhà. Cả nhà chỉ có một bóng điện, không có tivi nên không theo dõi các bài giảng của thầy cô được. “Em chỉ ở nhà chờ đến khi nào đi học lại. Nếu rảnh thì mở sách vở ra ôn lại bài. Hai chiếc điện thoại mà cả 5 người trong gia đình Cú dùng chung cũng chỉ là điện thoại trắng đen, phục vụ nghe gọi bình thường”, Cú nói.
Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa có điện lưới nên học sinh không thể tiếp cận việc học qua truyền hình. |
Tương tự, anh Giàng Seo Dìn, cụm trưởng cụm dân cư Suối Phèn (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) cũng cho biết, gần 2 tháng nay trẻ trong cụm dân cư không biết đến sách vở là gì. Không đến trường nghĩa là nghỉ luôn học, chúng quanh quẩn chơi ở nhà, một số đứa lớn thì lên rẫy hoặc đi rừng cả tuần mới về.
“Cụm này chưa có điện, cũng không có sóng 3G, 4G nên không học được qua tivi, điện thoại. Nhiều gia đình khó khăn còn không có điện thoại thì làm sao mà biết học qua facebook, zalo là gì. Mình cũng lo lắm, nhưng bây giờ không đi ra khỏi cụm được nên học sinh không học hành gì cả”, anh Dìn nói và cho biết, nơi anh sống nằm sâu trong rừng.
Kiểm tra, tổ chức dạy học lại !
Đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Nông triển khai việc dạy học qua truyền hình. Với đặc thù là tỉnh phía nam Tây Nguyên, điều kiện còn khó khăn, nhiều khu vực dân cư sinh sống chưa có điện, đường, trường và sóng di động nên ngành Giáo dục Đắk Nông đã tính toán đến việc có học sinh sẽ không thể tiếp cận được với bài giảng.
Học sinh đội đèn pin khi học bài ở nhà |
Ông Lê Nhơn, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông nhìn nhận, sẽ có học sinh, đặc biệt là học sinh tại vùng sâu, vùng xa của tỉnh không xem được các bài giảng trên truyền hình. “Đây là việc bất khả kháng vì điều kiện nơi các em sống, điều kiện gia đình không cho phép. Chính vì thế, ngành Giáo dục đã lên phương án đối với các trường hợp không thể học được trong mùa dịch”, ông Nhơn nói.
Lý giải thêm về điều này, lãnh đạo Phòng Giáo dục Trung học cho biết, sau khi đi học lại, Sở GD&ĐT sẽ đề nghị các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học qua truyền hình của các em. Những em nào không học, không được học thì sẽ biết ngay. “Những em này sẽ được gom lại thành từng lớp và sẽ bố trí cho giáo viên dạy lại các bài giảng, đồng thời đề nghị các em xem lại các số phát sóng trước đó”, ông Nhơn cho hay.
Học sinh khối lớp 12 tại Đắk Lắk sẽ được học tập trên truyền hình. (Ảnh: Quốc Bảo) |
Tương tự, tại Đắk Lắk, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho biết, đối với những học sinh vùng sâu vùng xa nếu quá khó khăn khi thực hiện việc học tập qua internet, truyền hình, Sở chỉ đạo các nhà trường phải có phương án huy động Đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tích cực liên hệ phụ huynh học sinh để vận động gia đình ưu tiên thời gian, điều kiện giúp các em học tập.
Ngoài ra, ngành Giáo dục cũng đề nghị phô tô và chuyển tài liệu học tập đến các em qua văn thư nhà trường, qua bưu điện. Khi các em trở lại trường phải có kế hoạch riêng để kèm những học sinh này để có đủ các kiến thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đắk Lắk Đối với dạy học qua internet, trên truyền hình sẽ thực hiện nội dung kiểm tra thường xuyên (miệng, 15 phút). Khi học sinh đi học trở lại sẽ tổ chức kiểm tra định kỳ (1 tiết và học kỳ) theo đúng quy định.
Đối với học sinh vùng sâu vùng xa,vùng khó khăn, những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nhà trường phải có các biện pháp hỗ trợ, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm có phương án để giúp học sinh vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Theo dantri.com.vn